Sau dịch, mua nhà trả góp cần chú ý gì?

Bảo An
Nền kinh tế còn trong quá trình phục hồi, do đó người mua nhà cần thận trọng, hạn chế các sai lầm sau nếu không muốn "vật vã", "hoảng loạn" với khoản nợ mỗi tháng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường bất động sản đang nghiêng về phía người mua để ở: các điểm nóng tăng giá “nguội” dần, mặt bằng giá dậm chân tại chỗ, lãi suất ngân hàng thấp nhất từng có và các chính sách ưu đãi từ các chủ đầu tư…

Các chuyên gia đều đồng ý rằng, đây là cơ hội tốt cho người mua nhà ở thực xuống tiền. Đặc biệt là các vợ chồng trẻ, những gia đình nhỏ đang mong muốn một nơi ở ổn định, hoặc khoản đầu tư an toàn thì thời điểm này là phù hợp để mua nhà theo hình thức trả góp hàng tháng.  

Tuy vậy, nền kinh tế còn trong quá trình phục hồi. Người mua nhà không nên vì thế mà chủ quan, quá vội vàng trong các quyết định. Dưới đây là một số những lưu ý người mua nhà cần nắm vững khi mua nhà trả góp sau dịch. 

Trả trước ít nhất 50%

Vốn tích lũy là khoản giá trị người mua nhà cần thanh toán trước cho các chủ đầu tư, tối thiểu 30% giá trị ngôi nhà. Trong điều kiện bình thường, không ít người vẫn dùng cách vay 60-70% giá trị rồi cố gắng cày cuốc. Khoản vốn tích lũy dư ra có thể dùng hùn hạp làm ăn hay sử dụng cho các mục đích khác. Ở một số dự án mức còn áp dụng chính sách chỉ cần trả trước 10%, 90% còn lại sẽ được trả góp trong 30 năm.

Còn trong bối cảnh đại dịch, lý tưởng nhất khoản vốn tích lũy này nên đạt mức thấp nhất là 50%. Việc tối đa hóa khoản vốn tích lũy này giúp người mua giảm số tiền phải trả mỗi tháng, tức giảm bớt phần nào áp lực tài chính trong các giai đoạn giãn cách, kinh tế khó khăn như hiện tại.

Giải pháp: Vốn tích lũy cần đạt tối thiểu 50% hoặc tìm nhà khác có mức tài chính vừa túi tiền.

cg2a5566-6925-1575888294-1630839649.jpg

Lập quỹ dự phòng 6 tháng lương

Năng lực tài chính cũng sẽ là yếu tố quan trọng quyết định để người mua cân nhắc sau dịch. Khi dịch bệnh kéo đến, kinh doanh đình trệ, người người thất nghiệp rồi mất khả năng thanh toán các khoản vay mỗi tháng. Khi đó ngân hàng có thể rao bán phát mãi để thu hồi nợ, người mua nhà gần như mất ngôi nhà với mức định giá rẻ mạt. 
Do đó, trước khi quyết định mua nhà trả góp sau dịch, bạn cần phải đảm bảo thu nhập từ các dòng tiền phải ổn định trong trung hạn. Bạn cần duy trì thu nhập ổn định để tạo cơ sở tài chính trả nợ ngân hàng (bao gồm lãi vay và vốn).

Nên cân nhắc và có phương án dự phòng cho những dòng tiền có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ các lệnh giãn cách như kinh doanh nhà hàng, khách sạn, cho thuê nhà/phòng trọ… Người mua nên có ít nhất 2 dòng tiền để bù sang những khoản bị ngưng trệ nếu dịch bệnh diễn ra lần nữa. Tốt nhất, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một quỹ dự phòng, ít nhất 6 tháng lương để chủ động .

Giải pháp: có ít nhất 2 dòng tiền để thanh toán cho các khoản vay, chuẩn bị sẵn quỹ dự phòng ít nhất 6-12 tháng

Đừng quên lãi suất sẽ thả nổi

Khoản vay mua nhà thực tế là khoản cho vay tiêu dùng nên có lãi suất khá cao, trừ một số trường hợp đặc biệt lãi suất thấp do chủ đầu tư có chính sách đặc biệt với ngân hàng. Vì thế, trước khi vay mua nhà cần phải xem kỹ lãi suất thay đổi cho những năm sau theo hợp đồng tín dụng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, một số ngân hàng có các chính sách ưu đãi lãi suất thậm chí xuống mức 6-7%/năm, khiến nhiều nhà đầu tư “khó cầm lòng”.

Tuy vậy, người mua cần nắm quy tắc vốn ban đầu là cố định, nhưng lãi vay thường là thả nổi, áp dụng biên độ thay đổi định kỳ từ 6-12 tháng một lần. Nhiều ngân hàng hiện nay chào lãi suất ưu đãi chỉ 6-7%/năm nhưng chỉ áp dụng trong vòng 6-12 tháng đầu tiên. Khách hàng thường sẽ bị điều chỉnh lãi suất mới từ tháng thứ 13 trở đi, cao hơn mức cũ 3-4%.

Giải pháp: luôn theo dõi thị trường một cách sát sao, tham khảo tư vấn từ nhiều ngân hàng để

n-n-mua-nh-t-giai-o-n-n-o-1-1630839554.jpg

Online chỉ để sàng lọc, vẫn cần đi coi nhà trực tiếp

Một yếu tố mà người mua cần phải cân nhắc khi mua nhà sau dịch chính là pháp lý của dự án. Tuy nhiên bước này đối với mua nhà trả góp thì không cần quá quan ngại. Bởi khi bạn làm thủ tục vay, bộ phận thẩm định giá của ngân hàng sẽ thực hiện bước này thay cho bạn. Nếu ngân hàng thông qua khoản vay, bạn có thể yên tâm phần nào dự án có pháp lý sạch, tránh các rủi ro về quy hoạch.

Dịch bệnh khiến các dự án chuyển lên bán online khá nhiều. Không thể phủ nhận đây là hình thức ứng biến trong mùa dịch, tạo thuận lợi cho người mua nhà từ các địa điểm xa. Tuy vậy, hạn chế của việc mùa nhà online chính là sự hạn hẹp về thông tin. Các môi giới thường chỉ cho bạn thấy hình ảnh của ngôi nhà, phối cảnh dự án. Các yếu tố xung quanh như đường đến dự án, tính kết nối, mỹ quan xung quanh lại không thể hiện được. Mà các yếu tố này cũng có ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm sống của các thành viên trong ngôi nhà. Đặc biệt là khi bạn xác định mua nhà để ở, tức sẽ gắn bó với nơi này trong ít nhất 3-5 năm tới. Đồng thời các yếu tố này cũng ảnh hưởng đến thanh khoản của bất động sản nếu bạn có nhu cầu bán chuyển chỗ ở.

Giải pháp: bước online chỉ nên tận dụng để sàng lọc dự án, bạn vẫn cần ưu tiên xem nhà trực tiếp, đặc biệt là các dự án nhà phố, nhà hẻm.

Ngân hàng bắt đầu giảm lãi vay mua nhà

Theo khảo sát, hiện tại lãi suất cho vay ưu đãi được các ngân hàng áp dụng dao động trong khoảng từ 5%/năm đến 8,5%/năm.

BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2% so với lãi suất hiện hành, trong đó có nhóm khách hàng kinh doanh resort, khách sạn.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) giảm lãi suất 2%/năm so với lãi suất hiện hành tại địa bàn khu vực phía Nam và giảm 1,5% tại địa bàn khác đối với khách hàng cá nhân mua nhà để ở.

Vietcombank cũng thông báo giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021, trong đó giảm tối đa 0,5% với khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.


Tuấn An