10 lưu ý đầu tư bất động sản năm 2021 cho nhà đầu tư F0

BĐS12h
Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh hay việc thị trường vừa trải qua một đợt “sốt” đất quy mô rộng, đầu tư bất động sản, đặc biệt là đất và bất động sản gắn với đất vẫn là một trong những kênh sinh lời hấp dẫn nhất hiện nay. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường 2021 đòi hỏi nhà đầu tư phải thận trọng hơn trong mỗi quyết định của mình.

Những tháng vừa qua, thị trường cả nước đã chứng kiến một số cơn “sốt” đất. Theo Savills Việt Nam, nhiều khu vực trong nước đã xuất hiện hiện tượng giá bất động sản tăng vượt giá trị thực tế, tức trở thành giá ảo. Giá trị ảo dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư, đồng thời gây ra những hệ lụy cho các tổ chức và các hoạt động kinh tế lớn hơn.

Những con sốt đất vừa qua đã sớm lắng xuống. Hãng nghiên cứu này nhận định, tình trạng giá đất tăng “nóng” như vừa qua chưa thể xảy ra thêm, ít nhất là trong ngắn hạn. Sau những cơn sốt đẩy giá lên, các nhà đầu tư chưa thể tham gia ngay mà còn phải chờ thị trường tự điều chỉnh xuống một ngưỡng hợp lý.

“Hiện tượng tăng giá đất, về bản chất, sẽ dẫn tới việc thị trường cần thời gian nhất định để cân bằng lại giữa cung và cầu thật, có thể xác lập một nền giá mới, làm nên dư địa phát triển cho các địa phương và tỉnh thành. Chúng tôi hy vọng nền giá mới sẽ sớm định hình ổn định, tuy nhiên sẽ cần thời gian để mức giá có thể điều chỉnh lại”, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ.

ong-matthew-powell-giam-doc-savills-ha-noi-min-1629654085.jpg
Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội. Ảnh: Savills

Tuy nhiên, đại diện Savills đánh giá bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở, vẫn luôn là kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn. Trong năm 2021, nhà đầu tư sẽ cần cân nhắc nhiều yếu tố hơn trước khi quyết định xuống tiền.

Dưới đây là 10 lưu ý mà nhà đầu tư F0 cần quan tâm trước khi đầu tư bất động sản trong năm 2021:

1. Pháp lý

Trong bối cảnh thị trường tăng trưởng nóng, nhiều chủ đầu tư sẽ muốn tranh thủ giải quyết nhanh gọn đầu ra, trong đó có cả những dự án chưa hoàn thiện pháp lý. Khi các nhà đầu tư xác định dự án không thể có đủ điều kiện pháp lý và không thể đưa ra thị trường thì giá trị bất động sản sẽ tụt thê thảm. Do đó, người mua nên đầu tư vào những dự án pháp lý hoàn chỉnh và của các công ty đã khẳng định được uy tín trên thị trường. 

2. Quy hoạch

Điều này đặc biệt quan trọng, nếu bạn đầu tư đất nền hoặc nhà phố, biệt thự. Pháp luật hiện hành cho phép nhiều trường hợp, đất nằm trong diện quy hoạch nhưng vẫn được phép chuyển nhượng. Tuy nhiên, khu vực đó sẽ bị hạn chế một số quyền như không được phép xây dựng nhà ở, công trình… Điều này có thể đe dọa đến giá trị của tài sản trong tương lai.

3. Giá bán

Nhà đầu tư nên xem xét lịch sử mua bán nhà đất trong giai đoạn gần đó. Nếu giá nhỉnh ở mức độ vài phần trăm thì có thể coi là xu thế đang tăng. Nhưng nếu biên độ tăng giá quá lớn, lên đến vài chục phần trăm thì phải cân nhắc.

4. Mục đích đầu tư

Chúng ta nên đầu tư vào những khu vực mà đất hoặc bất động sản kèm đất có thể đưa vào khai thác sử dụng. Trong bối cảnh hiện tại, việc đầu tư theo hướng “để đấy” hoặc đầu tư mang tính chất đám đông có tính dài hạn không được khuyến khích. Suy cho cùng, điều này dẫn đến việc không đảm bảo lợi nhuận theo mong muốn. Mặt khác, dễ dẫn đến hiện tượng vốn ứ, tiền đọng. Thanh khoản của một số khu vực không cao, sẽ dẫn đến áp lực của việc sử dụng vốn cũng không hiệu quả.

sot-dat-phan-thiet-do-khoan-1629654276.jpg
Nhà đầu tư tìm mua đất nền ở Bình Thuận. Ảnh: Đỗ Khoan

5. Khả năng tài chính

Trong giai đoạn trước, các chuyên gia từng khuyến cáo rằng tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính có thể lên đến 50%; nhưng tỷ lệ an toàn ở thời điểm hiện tại chỉ dừng lại ở mức khoảng 30%.

6. Uy tín chủ đầu tư

Chủ đầu tư có uy tín và thương hiệu mạnh trên thị trường bất động sản sẽ giúp cho người mua cảm thấy yên tâm về chất lượng của bất động sản cũng như tránh được những rủi ro về tài chính không đáng có. Ngoài ra, người mua cũng có thể đánh giá sự uy tín và năng lực của chủ đầu tư thông qua những dự án đã được bàn giao, chất lượng những công trình đã được đưa vào sử dụng trước đó…

7. Vị trí

Ngoài việc xem xét về giá cả của nhà đất, vị trí tọa lạc của nó cũng ảnh hưởng không ít tới mục đích mua của bạn. Một vị trí thuận tiện cho việc đi lại và tạo một cuộc sống thoải mái sẽ rút ngắn quá trình lắp đầy dân cư, tăng khả năng thanh khoản cho dự án.

8. Cơ sở hạ tầng xung quanh và tiện ích ngoại khu

Nhà đầu tư cần xem xét việc di chuyển tại khu vực đó có dễ dàng hay không hoặc có bị ngập úng vào mùa mưa hay không? Các vấn đề về rác thải và ô nhiễm môi trường như thế nào? Các tiện ích ngoại khu khác như các trung tâm mua sắm, nhà hàng, bệnh viện, trường học, khu vui chơi… cũng là những yếu tố quan trọng thu hút người mua thứ cấp.

9. Tiến độ thi công và thời gian thanh toán

Nhiều người mua bất động sản thường không chú ý đến thời gian và tiến độ thi công của dự án. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuẩn bị nguồn tiền để nộp khi tới hạn. Vì với các dự án bất động sản, bạn thường phải thanh toán thành nhiều đợt khác nhau. Do vậy, nhà đầu tư cần theo dõi kĩ các tiến độ thi công, đảm bảo đủ nguồn tiền trước khi tới hạn để tránh gặp rắc rối trong trường hợp này.

10. Nội dung hợp đồng và các chi phí liên quan

Hợp đồng mua bán bất động sản thường rất dài, khiến người mua dễ xao nhãng. Lời khuyên luôn là hãy đọc thật kỹ những điều khoản thoả thuận được nêu ra trong hợp đồng, kể cả phần phụ lục trước khi xuống bút. Trường hợp phát hiện ra những điều khoản chưa phù hợp, bạn hãy mạnh dạn phản hồi với chủ đầu tư. Đừng vì tiếc nuối cơ hội đầu tư mà thỏa hiệp những vấn đề có thể gây rủi ro về sau.

Ngoài ra cũng cần cân nhắc các loại chi phí như: phí giữ xe, phí thu nhặt rác thải, tiền điện, tiền nước sinh hoạt, phí quản lí… Nếu các loại chi phí này không được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng, người chịu thiệt sau này sẽ là bạn.

T.H