JLL: Giá bất động sản sẽ tăng chậm lại

Admin
Chuyên gia JLL nhận định, tốc độ tăng giá sẽ điều chỉnh chậm lại cho đến khi các yếu tố hỗ trợ nguồn cầu, điển hình là thu nhập người dân tăng tương ứng.

Trong báo cáo "Áp lực thiếu nhà ở giá rẻ đang gia tăng ở TP.HCM", JLL Việt Nam cho biết, tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà giá rẻ đang kéo giảm áp lực tăng giá bất động sản nói chung trên thị trường.

Cụ thể, theo ghi nhận của JLL, nguồn cung nhà ở bình dân (khoảng 27 triệu đồng/m2) đã giảm từ mức hơn 20.000 căn năm 20018 xuống còn khoảng 5.000 căn trong giai đoạn 2019 - 2020. Trong khi, số liệu do Sở Xây dựng TP.HCM khảo sát năm 2019 cho thấy, có khoảng 500.000 hộ gia đình trên địa bàn thành phố vẫn chưa sở hữu nhà riêng. Các hộ này đang ở nhờ nhà người thân hoặc thuê nhà; 94% trong số đó có nhu cầu mua nhà dưới 44.000 USD/căn (tương đương một tỷ VNĐ). 

Không những giảm về số lượng, tỷ lệ giá bán căn hộ bình dân so với thu nhập (được tính bằng giá trung bình căn hộ bình dân có diện tích 60m2 / thu nhập binh quân khả dụng của hộ gia đình) lại không ngừng tăng lên trong 5 năm qua. Tỷ lệ này đạt 5,4 vào năm 2020 - mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. 

Bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Thị trường của JLL Việt Nam cho biết, tỷ lệ này cho thấy mặt bằng giá chung hiện nay đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức tăng của các yếu tố hỗ trợ nhu cầu mua bất động sản, mà yếu tổ đại diện và nổi bật nhất là mức tăng thu nhập.

"Điều này có nghĩa là tốc độ tăng giá trong thời gian sắp tới sẽ có sự điều chỉnh chậm lại cho đến khi các yếu tố hỗ trợ nguồn cầu bắt kịp nhịp tăng này. Bên cạnh đó, áp lực tăng giá dự kiến cũng sẽ giảm bớt khi nguồn cung mới gia tăng, sau khi các vấn đề pháp lý hiện hành được giải quyết", bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Thị trường của JLL Việt Nam nhận định.

can-ho-nha-minh-1625143859.jpg
Căn hộ bình dân ngày càng vắng bóng, kéo giảm áp lực tăng giá bất động sản nói chung trên thị trường.

Bên cạnh ảnh hưởng đến mặt bằng giá trên thị trường, chuyên gia của JLL cho rằng, việc thiếu vắng các dự án có giá bình dân cũng mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư và nhà phát triển trong nước muốn mở rộng thị phần, đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình trong phân khúc này. Mặc dù lợi nhuận biên trên từng dự án có thể kém hấp dẫn hơn so với các phân khúc cao cấp, nhưng vị này khuyến cáo các doanh nghiệp nên cân nhắc phân khúc này bởi quy mô tiềm năng rất lớn.

Các dự án bình dân có tốc độ bán tốt hơn do có mức giá thấp. Ngoài ra, nguồn cung tại phân khúc này có mức tăng trưởng chậm hơn so với các dự án cao cấp, do đó sự canh tranh về khách hàng sẽ ít quyết liệt hơn. JLL kỳ vọng trong những năm tiếp theo các nhà phát triển có thể dồn sự quan tâm đến phân khúc phải chăng.

Riêng với các chủ đầu tư nước ngoài mới tham gia thị trường này, đại diện JLL khuyến cáo, các đơn vị nên cân nhắc thành lập mối quan hệ liên doanh chiến lược với các đối tác địa phương có uy tín, những doanh nghiệp mà có quyền sử dụng quỹ địa ốc và có thể hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoàn tất các thủ tục và giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, theo đại diện JLL, những dự án như trên là rất hiếm, bởi lẽ thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn non trẻ. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài nên tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể gia nhập vào thị trường.

Cũng trong báo cáo này, JLL khuyến nghị Chính phủ cần hỗ trợ sự phát triển của nhà giá rẻ để giảm bớt áp lực cho các thành phố. Một số giải pháp khả thi được nhắc đến là:

- Đưa ra các chính sách hỗ trợ tốt hơn về thuế cho nhà phát triển trong phân khúc này;

- Đẩy nhanh và ưu tiên cấp phép cho các dự án trong phân khúc giá thấp;

- Ưu tiên phát triển hạ tầng giúp cải thiện kết nối giữa các khu vực ngoại ô với khu trung tâm và các khu vực làm việc...

Thanh Tâm