Nhà lưới xây trên đất lâm nghiệp Lâm Đồng sẽ bị tháo dỡ trước 30/9

Admin
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định về việc kiểm tra, xử lý tình trạng xây dựng công trình, làm nhà kính, nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp trước ngày 30/9.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND các huyện, thành phố thành lập tổ công tác để kiểm tra, xử lý tháo dỡ toàn bộ nhà kính, nhà lưới trên diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các khu vực dọc tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn, các tuyến đường đèo: Prenn, Mimoza, tuyến quốc lộ 27C và các tuyến đường cửa ngõ vào TP. Đà Lạt.

Đối với những công trình vi phạm, trước mắt, tỉnh chủ trương vận động chủ sử dụng tự nguyện tháo dỡ trong thời hạn không quá 60 ngày; trường hợp chủ sử dụng không tự giác tháo dỡ thì tổ chức cưỡng chế để tháo dỡ. Việc tháo dỡ này phải hoàn thành trước ngày 30/9, báo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 15/10.

nha-luoi-lam-dong-1629101027.jpg
Chính quyền Lâm Đồng yêu cầu tháo dở những nhà lưới, nhà kính xây dựng trên đất Lâm Nghiệp.

Tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ, diện tích đất lâm nghiệp sau khi tháo dỡ nhà kính, nhà lưới, công trình xây dựng trái quy định chỉ được sử dụng để trồng rừng hoặc trồng cây nông nghiệp, trồng hoa kết hợp xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích theo đề án "Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030".

Địa phương, đơn vị chủ rừng nào để xảy ra việc xây dựng công trình, làm nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp thuộc địa phận quản lý mà không kịp thời ngăn chặn, xử lý thì UBND các huyện, thành phố phải xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm theo quy định pháp luật

Thời gian qua, tại Lâm Đồng tình trạng xây dựng công trình, làm nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch phát triển rừng diễn biến phức tạp. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất lâm nghiệp, quản lý và phát triển rừng mà còn gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường chung.

Điển hình như dự án khu du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay, do Hợp tác xã Du lịch Canh nông Tổng hợp Xuân Ái Hùng làm chủ đầu tư. Mặc dù chưa có giấy phép xây dựng cũng như chưa đủ các điều kiện để đưa dự án vào kinh doanh, nhưng chủ dự án đã cho xây dựng 4 khối công trình với tổng diện tích vi phạm 3.547m2. Hay trường hợp sai phạm nghiêm trọng khác là dự án "làng biệt thự" xây dựng không phép trên đất rừng tại tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.

Ngân Khánh