Doanh nghiệp bất động sản 'nuôi' nhân viên mùa dịch

Bảo An
Nhân viên BĐS có thu nhập chủ yếu dựa vào hoa hồng khi bán được sản phẩm, bị ảnh hưởng rõ rệt trong mùa dịch bệnh. Lúc này họ rất cần công ty hỗ trợ và định hướng các kịch bản có thể xảy ra để tiếp tục bám trụ với nghề.

Chuyên trang Toancanhbatdongsan.com.vn đã phỏng vấn các công ty hoạt động trong ngành BĐS ở TP.HCM để thấu hiểu cách họ đối mặt với thị trường BĐS mùa dịch và tính phương án hỗ trợ nhân viên để vượt qua như thế nào.

“Nuôi" cơm ba bữa, cafe cả ngày

Từ những ngày đầu tháng 6 khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành ở TP.HCM, các hoạt động mở bán, gặp gỡ khách hàng của các công ty bất động sản gần như dừng lại. Với nhóm nhân viên sales bất động sản vốn quen với việc chào mời khách hàng, dẫn khách đi xem nhà đất… thì điều này ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí họ phải thay đổi hoàn toàn thói quen làm việc.

Không muốn nhân viên của mình ngưng trệ, anh Hồ Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc công ty Rich Land Việt Nam cho biết các nhân viên đến công ty làm việc sẽ được hỗ trợ ăn sáng, trưa, chiều do bếp ăn công ty nấu. Ngoài ra còn có cafe, mì gói… cả ngày. Đến khi có chỉ thị 16 áp dụng toàn thành phố từ ngày 9/7 thì công ty chuyển sang chế độ làm việc ở nhà, online hoàn toàn, trừ một số hoạt động bắt buộc về thủ tục giấy tờ.

Anh Thiện chia sẻ: “Doanh thu của chúng tôi giảm mạnh từ 2-3 tỷ mỗi tháng xuống còn chỉ vài trăm triệu trong 2 tháng dịch bệnh nặng. Hiện chúng tôi có khoảng 50 nhân viên. Có nhân viên đề xuất không nhận lương trong thời gian này, nhưng Ban lãnh đạo công ty không đồng ý. Chúng tôi vẫn duy trì lương cho anh em để đảm bảo đời sống cơ bản. Ngoài ra công ty còn gửi các phần quà là nhu yếu phẩm, rau củ đến từng nhà nhân viên để san sẻ một phần khó khăn với họ”.

cty-bds-ho-tro-nhan-vien-1627910937.jpg
Ngày 21/7, công ty BĐS mang quà là nhu yếu phẩm đến từng nhà cho nhân viên để hỗ trợ nhau mùa dịch. Ảnh: Kim Trang.

Xác định hỗ trợ, đồng hành cùng nhau

“Lúc này từ khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên và chính người chủ công ty như mình đều hỗ trợ nhau để không ai bị bỏ lại", chị Nguyễn Uyên Thi, Giám đốc điều hành công ty BĐS Halo mở đầu bằng một câu nói đầy cảm xúc.

Công ty chị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cho thuê (toà nhà, văn phòng, căn hộ, khách sạn, mặt bằng cửa hàng…) gần 10 năm nay và thời điểm này đối mặt với khó khăn rõ ràng. Khách hàng (KH) của chị là chủ các công ty, khách sạn, spa, quán cafe… đã đóng cửa nhiều lần do dịch. Vì thế công ty chị đã giảm từ 50% đến 100% cho các KH tùy trường hợp. Bên cạnh đó, chị vẫn sử dụng tài chính của công ty để chi trả lương cho nhân viên, và bổ sung gạo, nhu yếu phẩm… cho các nhóm nhân viên “trực chiến" như bảo vệ, lễ tân tòa nhà… Nhân viên cũng đồng hành với công ty khi đồng ý nhận lương giảm 30% so với trước đây.

Phía chị Thi cũng có trao đổi với các chủ đầu tư, chủ mặt bằng (những người cho chị thuê sỉ) để thương lượng giảm giá 20-50% giá. Vì những hợp đồng này đã ký từ nhiều năm trước, không có điều khoản liên quan đến dịch bệnh, nên hầu hết là các bên thể hiện tình nghĩa với nhau để đồng hành qua mùa dịch. Chị Thi nhấn mạnh: “Cũng có những đơn vị không đồng ý giảm, vì họ cũng có những khó khăn tài chính khi chịu lãi vay ngân hàng… Chúng tôi đành chấp nhận và tính phương án gói gọn kinh doanh lại, sao cho nhân viên của mình không bị mất việc, không bị thiếu lương. Đồng hành cùng nhau lúc này là điều quan trọng nhất.”

Xây dựng nội lực mạnh mẽ

Các ngành thương mại nói chung và kinh doanh bất động sản nói riêng, ngoài việc đối mặt và vượt qua dịch bệnh còn tính đến định hướng về các giải pháp mới, phù hợp với xu hướng hiện nay. Trong đó chất lượng đội ngũ nhân lực là điều quan trọng.

Anh Hà Tuấn Anh, Giám đốc dự án Công ty Green House (dự án phân phối cho chủ đầu tư, cho thuê mua đi bán lại) khẳng định nhân viên kinh doanh bất động sản thời từ nay trở đi sẽ phải đáp ứng nhu cầu năng lực cao hơn. “Trước đây, người tay ngang vào ngành BĐS cũng bán nhanh, chốt đơn rẹt rẹt. Nhưng bây giờ có hàng ngàn người sales thì mình phải có sự khác biệt, nổi trội thì mới thành công được", anh khẳng định.

171204981-2853659001576896-487133229500773985-n-1627910937.jpg
Anh Tuấn Anh (thứ ba từ phải sang) nhận định nhân viên BĐS phải có khả năng học hỏi, cập nhật nhanh để không bị đào thải khi thị trường trở lại. Ảnh: NVCC.

Anh và đội nhóm của mình đang học tập cách xây dựng hệ thống nội bộ bài bản hơn, toàn diện hơn từ những thay đổi về tư duy gốc. Theo anh, khi nhân viên học được tư duy đúng, hiểu được sự cần thiết của việc phải thay đổi theo thời thế, thì sẽ cùng nhau tạo được những phương pháp mới hơn, hiệu quả hơn để cạnh tranh, nhất là trong các kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng… Vì hiện nay KH sẽ kỹ tính hơn, yêu cầu cao hơn trong việc đầu tư và được sàn môi giới chăm sóc.

Cùng quan điểm đó, cả anh Thiện và chị Uyên Thi đều dành thời gian này cho việc xây dựng nội lực mạnh mẽ hơn để thích nghi với thời cuộc và chuẩn bị cho khi thị trường BĐS khôi phục trở lại.

Rich Land Việt Nam của anh Thiện thì vẫn triển khai học cùng nhau hệ tư duy mới, đào tạo nội bộ theo từng kỹ năng, và phát triển mạnh hơn câu chuyện chuyển đổi số vào bán hàng. Nếu như trước đây nhân viên sales chỉ cần giới thiệu sản phẩm cho khách, tư vấn theo tài chính của khách bằng việc nhắn tin, gặp gỡ.. thì bây giờ phải làm chuyên nghiệp hơn, công nghệ hơn. “Bài toán lớn của cấp quản lý là xây dựng hệ thống làm việc mới và đầu tư nền tảng công nghệ. Còn với nhân viên thì cùng học hỏi, cập nhật kiến thức mới và ứng dụng để thấy được mình sai ở đâu, nên sửa thế nào.”, anh Thiện cho biết.

Chị Uyên Thi triển khai cho các nhân viên HaloLand phong trào đọc sách hàng tuần và viết ra bài học, trình bày bài học đó trên nhóm online. Nhân viên xác định các kỹ năng cần cải thiện như viết và nói hay, thuyết phục, bán hàng… từ đó chọn sách đọc và ứng dụng vào công việc. Dù nhân viên không đến công ty nhưng mỗi ngày vẫn làm việc online, đưa ra mục tiêu theo ngày/tuần/tháng và nâng cấp mục tiêu dần dần. Hệ thống công việc của từng cá nhân, từng nhóm (Văn phòng, Sales, Quản lý…) cũng được viết ra và ráp cùng nhau để mọi sự thông suốt.

1-cty-bds-hoc-tu-sach-1627910937.jpg
Công ty BĐS họp online để học kỹ năng mới, chia sẻ kiến thức từ sách ứng dụng vào công việc. (Ảnh chụp màn hình)

Có thể thấy rằng, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến yêu cầu năng lực cao hơn trong ngành BĐS. Đây cũng là lúc mà thị trường có sự thanh lọc tự nhiên. Các chủ đầu tư không uy tín, sàn môi giới làm ăn chộp giật, nhân viên sales không có tâm… sẽ bị đào thải nhanh chóng. Khách hàng cần niềm tin cao hơn trước đây, người làm BĐS phải gia tăng được niềm tin đó, học hỏi để nâng cấp kỹ năng, cập nhật công nghệ và điều quan trọng là kiên trì “nếm mật nằm gai", không mất động lực trong nghề.

Trong số “Talkshow Toàn cảnh” số thứ 5 lên sóng tối 28/7, Bà Phạm Minh Nguyệt - CMO nền tảng bất động sản Propzy cho biết quý II/2021, trước khi giai đoạn giãn cách diễn ra, số lượng giao dịch bất động sản ở các khu vực tăng khá cao. Có những khu vực giao dịch gia tăng đến đến 20%. Nhưng ngay lập tức giảm thẳng đứng xuống bởi vì các quy định giãn cách. Bất động sản công nghệ sẽ là xu hướng mà các công ty bất động sản cần quan tâm. Chuyển từ offline lên online, nhân viên BĐS sẽ phải nỗ lực làm cách nào để cho KH không chỉ biết đến mình, mà họ phải gắn kết với mình hơn, nói chuyện với mình nhiều hơn, từ từ tin tưởng mình và cảm thấy yêu mình. Đó là hành trình dài để hai bên gắn bó với nhau và tạo giá trị cho nhau.

Ngân Tuyết