Toàn cảnh BĐS vùng ven TP.HCM: Bà Rịa - Vũng Tàu 

Lan Anh
Theo giới kinh doanh bất động sản, tại thời điểm này giá đất nền, nhà ở, đất ở khu trung tâm tại BR-VT đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, giá đất vườn lại tăng “chóng mặt” so với cùng kỳ năm 2020. 

Giá đất vườn tăng gấp 4-5 lần           

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đang quay cuồng trong cơn sốt đất. Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cũng không ngoại lệ. Từ thành phố đến vùng thôn quê, đâu đâu người ta cũng râm ran chuyện mua nhà, bán đất. Số lượng hồ sơ mua bán, chuyển nhượng nhà, đất cũng tăng mạnh.

Tại thời điểm này, tại các khu vực xã Long Tân, Láng Dài, Lộc An (huyện Đất Đỏ), xã Đá Bạc (huyện Châu Đức)… giá đất vườn tăng "chóng mặt". Cụ thể, khu vực thị trấn Long Hải, Long Điền, Phước Hải, dù trải qua ảnh hưởng từ Covid-19, nhưng giá đất vườn tại đây vẫn tăng ít nhất 30%. Nếu như năm 2020, giá đất vườn có đường nhựa đẹp, có quy hoạch đất ở được chào bán từ 1-1,2 tỷ đồng/1.000 m2. Còn giá đất ở đường cấp phối từ 600-700 triệu đồng/1.000m2 thì nay cũng tăng lên từ 2 tỷ đồng. Theo những người dân cho biết, đất ở những khu vực này trước đây chủ yếu là trồng và trồng cây ăn quả, bán cũng chả ai mua.

Giá đất tăng cao nên thị trường bất động sản cũng chứng kiến nhiều sản phẩm đất nền đã ra và số đất nền phân lô đã bắt đầu hình thành. Thay vì bán theo sào, mẫu giờ ở đây người dân đã xu hướng phân nền từ 200m2 đến 500m2 để bán.

toan-canh-bat-dong-san-vung-ven-ba-ria-vung-tau-1629059097.jpg
Giá đất ở đường cấp phối từ 600-700 triệu đồng/1.000m2 thì nay cũng tăng lên từ 2 tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Hiền (TP.Vũng Tàu) cho biết, những ngày này ngày nào chị cũng về các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, TP.Bà Rịa để “săn” đất. Theo lời chị Hiền, chị mua lô đất TP. Bà Rịa với giá 4 tỷ đồng, xuống cọc xong “lướt sóng” bán luôn với giá 4,9 tỷ đồng trong vòng chưa đến 1 tháng. Trừ chi phí, lại 800 triệu đồng. Thấy có lãi nhanh, chị quyết định bán thêm một lô đất tại TP. Bà Rịa, đồng thời rút hơn 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm ở ngân hàng để tăng vốn đầu tư tại những khu vực có tính thanh khoản cao, nhanh sinh lời hơn. “Nghe nói đất Đất Đỏ đang nóng, mua đi bán lại rất nhanh nên tôi tính sẽ bỏ vốn đầu tư ở đây”- chị Hiền nói. 

Được biết, tại huyện Xuyên Mộc giá đất tại tiếp tục leo thang, đặc biệt là từ giữa tháng 3 đến nay. Trong đó, giá đất tại các xã ven biển như Phước Thuận, Bình Châu và trung tâm huyện tăng mạnh nhất, có nơi gấp 2-3 lần so đầu năm 2020. Cơn sốt đất đã lan rộng đến mức từ văn phòng, công sở đến quán cà phê, quán nhậu, ở đâu người ta cũng bàn tán chuyện mua bán đất. Nhiều nơi, người dân còn bỏ kinh doanh, sản xuất để lao vào đầu tư đất.

Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Xuyên Mộc cho biết, trước sức nóng của thị trường bất động sản, huyện Xuyên Mộc phải thành lập thêm 2 văn phòng công chứng để đáp ứng nhu cầu mua bán, chuyển nhượng đất đai của người dân.

Những khu vực có nhiều giao dịch là thị trấn Phước Bửu, xã Bình Châu, xã Phước Thuận. Gần đây, một số xã có lượng hồ sơ chuyển nhượng đất đai tăng cao là Hòa Hội, Hòa Hiệp, Bàu Lâm.Cũng như Xuyên Mộc, làn sóng giao dịch đất nền tại huyện Châu Đức sôi động không kém, với mặt bằng giá tăng từ 30-50% so với cuối năm 2020. Ông Thái Tăng Lâm, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Châu Đức cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, lượng hồ sơ tăng khoảng 30-40% so với tháng 3, giao dịch biến động chuyển nhượng là chủ yếu và tập trung ở các xã Suối Nghệ, Nghĩa Thành, Đá Bạc, Kim Long”, ông Lâm dẫn chứng.

toan-canh-bat-dong-san-vung-ven-1629059097.jpg
Theo lời chị Hiền, chị mua lô đất TP. Bà Rịa với giá 4 tỷ đồng, xuống cọc xong “lướt sóng” bán luôn với giá 4,9 tỷ đồng trong vòng chưa đến 1 tháng.

Cũng như Xuyên Mộc, làn sóng giao dịch đất nền tại huyện Châu Đức sôi động không kém, với mặt bằng giá tăng từ 30-50% so với cuối năm 2020. Ông Thái Tăng Lâm, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Châu Đức cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, lượng hồ sơ tăng khoảng 30-40% so với tháng 3, giao dịch biến động chuyển nhượng là chủ yếu và tập trung ở các xã Suối Nghệ, Nghĩa Thành, Đá Bạc, Kim Long”, ông Lâm dẫn chứng.

Chị Nguyễn Thị Tú Vân, một người trong giới kinh doanh BĐS tại TP.Vũng Tàu cho biết: Giá đất vườn tại các khu vực trên tăng mạnh là do một số KCN như: Đá Bạc, Châu Đức, Đất Đỏ đã hình thành và thu hút nhiều dự án “triệu đô” nên người mu đón đầu. Còn các xã ven biển tăng giá là do có thông tin dự án sân bay Hồ Tràm sắp triển khai Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh nên người dân có xu hướng về vườn tránh dịch, nên mua một mảnh để cải tạo làm vườn, vui thú điền viên mà giá tiền lại không quá đắt đỏ. Đất đang sốt từng ngày nên những nhà đầu tư trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương cũng đổ xô về đây để thu gom đất.

Đất sốt nhờ hạ tầng

Theo phân tích từ các chuyên gia BĐS, hạ tầng giao thông là thế mạnh giúp BR-VT trở thành sân chơi BĐS được dân đầu tư ưa chuộng nhất. Trong năm 2020, tỉnh BR-VT tiếp tục thực hiện 11 công trình trọng điểm. Điển hình như Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án đầu tư nâng cấp sân bay Côn Đảo; Cảng tàu khách quốc tế Vũng Tàu; sân bay Gò Găng. Thời gian qua rất nhiều tuyến cao tốc nối liền giữa Vũng Tàu với các tỉnh phía Nam được khai thông đã tạo thuận lợi trong việc kết nối, giao thương giữa nơi được coi là "cửa ngõ ra biển Đông" với các tỉnh phía Nam.

Mới đây, UBND tỉnh BR-VT đã đề xuất triển khai đồ án quy hoạch chung đến năm 2030, biến Hồ Tràm thành một trung tâm hành chính, khu vực quan trọng trong hành lang phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch. Ngoài ra, sức nóng bất động sản tại đây cũng chịu tác động của những dự án quy mô quốc gia trên.

toan-canh-bat-dong-san-vung-ven-tphcm-1629059097.jpg
Chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng giá đất từ 15-20% cùng với nhu cầu nhà ở tăng mạnh trên toàn thị trường và hàng loạt quy hoạch về hạ tầng như sân bay, cao tốc… đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư rót vốn vào bất động sản.

Từ góc độ của nhà quản lý, lý giải về hiện tượng sốt đất tại nơi đây, một số chuyên gia cho rằng không phải ngẫu nhiên mà BR-VT lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư. Trong thời gian dịch bệnh, lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đều rất thấp nên không còn hấp dẫn người dân.

Cùng đó, nhiều nhà đầu tư thắng lớn từ thị trường vàng và chứng khoán đã nhanh chóng chuyển hướng sang bất động sản. Chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng giá đất từ 15-20% cùng với nhu cầu nhà ở tăng mạnh trên toàn thị trường và hàng loạt quy hoạch về hạ tầng như sân bay, cao tốc… đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư rót vốn vào bất động sản.

Nguồn cung bất động sản khan hiếm, đắt đỏ tại Sài Gòn và Hà Nội là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng các nhà đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản đổ về các tỉnh lân cận. Trong đó BR-VT là địa phương được đánh giá cao khi có cơ sở hạ tầng phát triển, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư của tỉnh đang hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với hàng loạt dự án trọng điểm quy mô lớn. Vì thế, phân tích của giới chuyên môn, cơn sốt đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu phần nào thể hiện đúng quy luật chung của thị trường.

Chu An