Toàn cảnh bất động sản Hà Nội: giá căn hộ leo thang, mặt bằng cho thuê ế bền vững

Bảo An
Phân khúc nhà thấp tầng và chung cư giá vẫn tăng phi mã, nhất là ở các khu vực hưởng lợi từ phát triển hạ tầng. Còn mặt bằng cho thuê khu phố cổ thì từ thoi thóp đến chết kỹ, người thuê bỏ của chạy lấy người.

Giá căn hộ tăng, nhà liền thổ hấp dẫn bất chấp đại dịch

Gia đình chị Thu Trang đang sống ở căn hộ có diện tích 55m2 trong một chung cư ở P.Tương Mai, Quận Hoàng Mai cuối năm sẽ có thành viên mới khi chị sinh con thứ 2. Chị muốn đổi sang căn lớn hơn, khoảng 80m2 để tiện sinh hoạt nhưng “tìm đỏ mắt" vẫn không được căn hợp túi tiền. Căn hộ của chị nếu bán thì giá khoảng trên dưới 2 tỷ, vì nằm trong một chung cư không có nhiều tiện ích. Nhà chung cư 80m2 thì khoảng gần 3 tỷ với tiện ích vừa phải, chị muốn toà nhà đó có khuôn viên rộng, sân chơi trẻ em, bể bơi… thì giá cao hơn nữa. “Chỗ tôi đang ở thì rất gần trung tâm, lên phố tiện. Tôi mua cách đây mấy năm từ hồi đang xây nên giá tốt, giờ bán thì cũng có lời nhưng không ăn thua với số tiền phải bỏ ra cho căn hộ lớn mà vị trí ở gần đây và có tiện ích. Mùa Covid mà giá nhà vẫn tăng chóng mặt, chỉ có thể mua được nhà ở mạn Hà Đông nhưng xa quá.”, chị Trang chia sẻ.

image2-1628062013.jpg
Hà Nội vắng vẻ những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Tuyết Nhi.

Bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra trong khoảng 2 năm qua khiến thu nhập của đại bộ phận dân chúng bị giảm sút, giá bất động sản Hà Nội vẫn tăng. Theo báo cáo Tổng quan Thị trường bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm 2021 của Savills, mức tăng mạnh nhất thuộc về phân khúc thấp tầng, kế đến là chung cư.

Cụ thể, giá chào bán sơ cấp trung bình của chung cư cũng đạt 1.625 USD/m2 (gần 38 triệu VNĐ), tăng 7% theo quý và 11% theo năm, các dự án hạng B tăng mạnh nhất, đạt mức 13% theo năm.

Giá sơ cấp trung bình của tất cả các loại hình biệt thự/liền kề đều tăng trong quý này, với mức cao nhất ở quận Hoàng Mai, tăng 15% cho liền kề và 32% cho nhà phố thương mại. Đây là khu vực không nằm trong vùng lõi trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm nhưng lại có vị trí đẹp, cách trung tâm Hà Nội chỉ 3-7km, có mật độ dân cư vừa phải và mức sống, chi phí vật giá không quá cao.

Một khu vực nữa là cái tên “hot" cho cả người mua an cư và dân đầu tư BĐS là huyện Hoài Đức, giá tăng 29% cho biệt thự, 38% cho liền kề và 59% cho nhà phố thương mại. Đây là nơi chú trọng đầu tư mạnh về hạ tầng, quy hoạch để lên quận và thu hút nhiều ông lớn trong ngành xây các khu đô thị. Hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, rút ngắn thời gian di chuyển vào nội đô (khoảng 30p với xe hơi đi đường Đại lộ Thăng Long) khiến thị trường này chỉ có tăng, thậm chí tăng mạnh. Giá đất nền thổ cư cũng tăng phi mã theo. Tại Kim Chung-Di Trạch, giá đất dao động từ 80-110 triệu đồng/m2. Đất mặt đường 32 là đắt nhất, có mảnh lên tới gần 200 triệu/m2, ngang đất biệt thự trong phố.

Mặt bằng cho thuê tiếp tục lao dốc

Từ khi dịch bùng phát trở lại sau lễ 30/4, thị trường mặt bằng cho thuê tại Hà Nội gần như điêu đứng khi người đi thuê thời điểm này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mở hàng kinh doanh thời điểm này, với nhiều người, là quá mạo hiểm.

Tại khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm), nơi được mệnh danh là “đất vàng” Hà Nội, hiện giá thuê đã giảm 50% - 70% so với giai đoạn trước khi có dịch bệnh. Thậm chí, trong thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội lần thứ 2 (từ ngày 24/7), nhiều chủ nhà tại phố cổ chấp nhận miễn tiền thuê nhà trong 2 tháng, để giữ chân khách. Một chủ nhà ở phố Hàng Ngang cho biết, qua 3 lần bùng dịch từ đầu năm 2020 đến giờ, ông đã giảm 30% rồi 50% giá thuê mặt bằng cửa hàng. Đợt bùng phát thứ 4 này, ông miễn luôn tiền 1 tháng nhưng người thuê vẫn chấm dứt hợp đồng vì “không làm ăn nổi" trong thời điểm này. Khu phố cổ sống bằng bán hàng cho khách du lịch, năm 2020 họ cầm cự với khách nội địa khi khách quốc tế không có. Nhưng cho đến hiện nay thì du lịch đóng băng, giãn cách xã hội nhấn chìm luôn sự “thoi thóp" của họ.

image1-1628062013.jpg
Một cửa hàng phải trả mặt bằng vì không bám trụ nổi trong mùa dịch. Ảnh: Tuyết Nhi.

Các khu vực khác bớt bết bát hơn là những tuyến phố ở các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy… nơi buôn bán cho dân văn phòng và gần các trường Đại học. Các nơi đó thường đông đúc cả năm, các lệnh giãn cách xã hội chỉ làm giãn đoạn 15 ngày, hoặc một tháng. Còn lại, họ vẫn buôn bán được với các hình thức bán mang về, kết hợp với các ứng dụng giao hàng, hoặc livestream trên Facebook để giới thiệu hàng. Tuy nhiên họ vẫn cần giảm giá mặt bằng, nếu chủ nhà không hỗ trợ thì họ sẽ dễ dàng tìm chỗ khác giá thấp hơn.

Anh Hoàng Tân, làm môi giới BĐS chuyên thị trường quận Đống Đa cho biết: “Giá cho thuê mặt bằng giảm từ 10-30%, hoặc có giảm mạnh thì chủ nhà hỗ trợ 50% trong 1 tháng giãn cách xã hội, vì nhiều người thuê mặt bằng vừa làm cửa hàng vừa sinh sống để tiết kiệm. Người kinh doanh đồ ăn thì nấu nướng ở đó luôn, tính ra thuê 1 chỗ nhưng 2-3 mục đích, còn buôn bán được thì vẫn muốn thuê, chỉ là lời lãi ít hơn ngày trước thôi".

Một số mặt bằng cửa hàng ở mặt đường các “thiên đường mua sắm" đồ điện tử như Thái Hà, thời trang như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch… cũng treo biển “cho thuê". Giá khoảng 10 triệu/20m2 và thấp hơn nếu trong ngõ. Chủ một thương hiệu thời trang chuỗi cho biết “Để đảm bảo kinh doanh chúng tôi có cắt giảm cửa hàng, nhưng là khu trên gần phố cổ vì giá mặt bằng và mọi chi phí khác như bến bãi gửi xe, vận chuyển, mua đồ ăn thức uống… đều cao. Còn ở các con đường mua sắm Chùa Bộc, Cầu Giấy… chi phí chấp nhận được hơn, dễ thuê nhân viên thời vụ nên vẫn duy trì.”.

Chia sẻ về triển vọng thị trường BĐS nói chung đến cuối năm, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, từ nay đến cuối năm, những tác động của dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường BĐS. Theo đó, mục tiêu chung hiện nay là sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và các chương trình tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 cần được nhanh chóng triển khai để nền kinh tế sớm trở lại trạng thái bình thường.

blue-geometric-gradient-photo-medical-facebook-cover-1628064151.jpg
Bất động sản Hà Nội sẽ còn tăng nhiệt trong giai đoạn tới.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, quỹ đất khan hiếm, các dự án bị ách tắc do thủ tục hành chính dẫn đến không có dự án mới. Sự khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh nguồn cầu dồi dào, cùng với đó là việc tăng chi phí đầu vào từ việc giá thép tăng kỷ lục sẽ tiếp tục là lực đẩy mạnh cho khiến giá bất động sản Hà Nội tiếp tục tăng, đặc biệt là khu vực có hạ tầng phát triển mạnh mẽ như khu phía Tây và phía Đông.

Tại Hà Nội, thời gian tới, lượng dự án mới sẽ chỉ tập trung đến từ các dự án đấu giá đất. Giá đất đấu giá được chào bán tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức hiện nay cũng rất cao, giao động từ 70 - 120 triệu đồng/m2.

“Đối với các dự án bất động sản thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì chi phí về đất của dự án chịu tác động bởi giá đất của thị trường nên giá đất nền trong thời gian tới sẽ giữ xu hướng tăng”, ông Hà thông tin.

Tuyết Nhi