Bất động sản công nghiệp có bị tác động bởi Covid?

Bảo An
Những phân tích về bất động sản công nghiệp thường dựa vào tầm nhìn lâu dài và triển vọng dài hạn, hơn là những tình cảnh trước mắt

Cuối tháng 4, một làn sóng Covid-19 mới bắt đầu nhen nhóm tại các tỉnh phía Bắc. Bắc Giang - Bắc Ninh trở thành hai địa phương chịu nhiều ảnh hưởng. Không ít doanh nghiệp tại đây phải tạm dừng hoạt động, hàng hóa bị gián đoạn lưu thông.

Dịch bệnh bùng lên ở phía Nam, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An liên tiếp ghi nhận hàng nghìn ca F0 mỗi ngày. Lập tức, các khu công nghiệp vốn hàng ngày sầm uất vào ra, công nhân, chuyên gia di chuyển hàng hàng lớp lớp thì giờ đây đóng kín cửa, chỉ còn những chuyến xe tải hàng di chuyển.

Doanh nghiệp phải chuyển đổi sang hình thức “ba tại chỗ” nếu muốn duy trì sản xuất. Họ ăn, ngủ và sinh hoạt ngay giữa những dây chuyền máy móc. Các khu công nghiệp trở thành căn cứ địa của hàng chục nghìn con người, từ cấp lãnh đạo đến công nhân hiện trường. Không gian sống gói gọn trong những túp lều di động. Tại Bình Dương, bệnh viện dã chiến mọc lên giữa khu công nghiệp.

Những hình ảnh trên dấy lên nhiều quan ngại về đà tăng trưởng chung. Các phân khúc bất động sản gắn liền với hoạt động công nghiệp cũng không ngoại lệ. Làn sóng trả nhà trọ của công nhân khiến nhiều chủ trọ thất thu, mất khả năng thanh toán lãi ngân hàng đã hiện hữu tại hai “điểm nóng” là Bình Dương, TP HCM. Các dự án căn hộ giá vừa tầm dành cho giới chuyên gia tại Đồng Nai, Bình Dương phải “đại hạ giá” hay dời dịp ra mắt.

bat-dong-san-cong-nghiep-1-1631527042.jpg

Dù vậy, phân khúc bất động sản khu công nghiệp, theo các chuyên gia, lại có chiều hướng “lội ngược dòng” và chứng minh được sức đề kháng của mình.

Bằng chứng là các thương vụ mua bán sáp nhật doanh nghiệp cũng như sự gia tăng các diện tích đất công nghiệp mới trong hai quý vừa qua. FDI vào Việt Nam vẫn khả quan và kỳ vọng vào sự ra đời của nhiều nhà máy sản xuất lớn tại nhiều khu vực trong cả nước. Đây chính là cơ sở thuận lợi để bất động sản công nghiệp tiếp tục phát triển, duy trì ưu thế trên thị trường.

Tính theo khu vực thì phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần. Tiếp theo là khu vực phía Nam với 728 triệu USD, tương đương 23% và khu vực miền Trung thu hút 395 triệu USD, khoảng 13%.

Thị trường thời gian qua cũng đón nhận nhiều khoản đầu tư lớn. Tại miền Bắc, Công ty Jinko Solar Hong Kong đã đầu tư gần 500 triệu USD vào khu công nghiệp Sông Khoai, tại Quảng Yên (Quảng Ninh); hay Fukai Technology của Singapore đầu tư vào khu công nghiệp Quang Châu tại tỉnh Bắc Giang.

Lý giải cho những tín hiệu tích cực này, ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng những phân tích về bất động sản công nghiệp thường dựa vào tầm nhìn lâu dài và triển vọng dài hạn, hơn là những tình cảnh trước mắt.

Việt Nam vẫn đang là một trong những thị trường sản xuất và hậu cần mạnh nhất trên thế giới gồm nền chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, vị trí địa lý phù hợp, lực lượng lao động năng động. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do có thể được xem là giải pháp lâu dài cho Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển giao kiến thức và công nghệ, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi từ sản xuất các ngành công nghiệp giá trị thấp và mang tính địa phương sang các ngành có giá trị cao hơn.

"Trong ngắn hạn đến trung hạn, chúng ta vẫn chứng kiến nhiều hoạt động đầu tư lớn về công nghiệp tại Việt Nam", ông John Campbell nhận xét.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận tính tới 20/8, các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong tháng 8 dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện trong tháng 8 giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 14,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính cả 8 tháng đầu năm vốn thực hiện vẫn tăng nhẹ.

Ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc cấp cao Bộ phận bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam cũng đồng tình và cho rằng thị trường bất động sản công nghiệp có bước tăng tốc trong các năm qua nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi, từ hạ tầng giao thông được cải thiện, dịch chuyển chuỗi cung ứng từ nước ngoài vào Việt Nam, đến nỗ lực kép, vừa chống dịch, vừa cố gắng duy trì sản xuất để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây đều là các yếu tố có tính dài hạn, phù hợp với định hướng đầu tư lâu dài của các doanh nghiệp sản xuất lớn trong và ngoài nước”.

“Tình hình dịch bệnh có thể làm chậm tiến độ xây dựng do việc đi lại, nhân công, vận chuyển vật liệu bị hạn chế, nhưng về dài hạn, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục mở rộng dự án đã cam kết tại Việt Nam”, ông Lê Trọng Hiếu nói.

Trên thực tế, bài học tương tự đã diễn ra ở thị trường châu Á. Mặc dù Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều không tránh khỏi ảnh hưởng của biến thể Delta, nhưng nhu cầu dòng vốn đổ vào các hoạt động công nghiệp, logistic vẫn gia tăng đáng kể so với năm trước.

Các khoản đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và công nghiệp đã tăng 215% so với cùng kỳ năm ngoái lên 15 tỷ USD, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của thương mại điện tử, chênh lệch lợi suất và nhu cầu đa dạng hóa tài sản nhắm vào các loại bất động sản linh hoạt hơn của các nhà đầu tư.