Việc nhẹ lương cao có thực sự tồn tại ?

BĐS12h
Không ít những lầm tưởng của một bộ phận giới trẻ hiện nay về đặc thù công việc được nhắc đến với cụm từ 'việc nhẹ lương cao'.

“Không có gì dễ dàng”

Hồi tháng 4 vừa rồi, Trương Văn Hài, sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM muốn tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Lời quảng cáo hấp dẫn và tâm lý thích việc nhẹ lương cao làm Hài mê hoặc. Công việc nhẹ nhàng chỉ là “like”, “share” (thích, chia sẻ) các quảng cáo trên kênh YouTube, TikTok và sau đó nhận hoa hồng cao.

Việc nhẹ lương cao có thực sự tồn tại ? - ảnh 1

Bạn trẻ nên tự trang bị những kỹ năng để đáp ứng với mức lương cao

PHẠM HỮU

Tuy nhiên, để nhận được tiền hoa hồng, Hài phải nạp tiền trước theo yêu cầu của nơi tuyển dụng. “Lúc đầu tôi nạp vào 300.000 đồng gọi là tiền thế chân thì tôi lấy được hoa hồng là 200.000 đồng, sau đó tôi tin tưởng và làm tiếp và nạp vào 400.000 đồng rồi 2 triệu, 5 triệu đồng nhưng cuối cùng lại không thấy tiền đâu. Thế là tôi bị lừa bởi nhẹ dạ và tâm lý thích kiếm tiền bằng việc nhẹ nhàng”.

Hậu quả với Hài bây giờ là mất niềm tin vào nhiều thứ và rút ra bài học: “Không có gì dễ dàng kiếm tiền được, đó như là bài học đầu đời của tôi”.

Còn Nguyễn Thị Thắm (27 tuổi, đang là chuyên viên nhân sự một công ty về ô tô, xe máy) thừa nhận bản thân cũng từng có tâm lý thích và muốn chọn “việc nhẹ lương cao” khi còn trẻ. Sau 5 năm đi làm, Thắm đã ngộ ra chuyện “việc nhẹ lương cao” là không có thật. “Chỉ có người chưa đi làm, hoặc lười biếng và ở bên ngoài công việc không hiểu bản chất nên mới mong tìm “việc nhẹ lương cao”, Thắm nói.

Năng lực quyết định mức thu nhập

Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang, nhìn nhận “việc nhẹ lương cao” vẫn luôn là mong muốn của đa số người lao động. Tuy nhiên trên thực tế, Th.S Tú chưa thấy có công việc nào thực sự nhẹ nhàng mà lương cao. Anh cho rằng hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, song từ thực tế anh nhận thấy đúng là một bộ phận các bạn có ngộ nhận. Các bạn đang tự tin thái quá vào kiến thức được học từ giảng đường. Nhưng trong mắt của nhà tuyển dụng, chính sự va chạm trong thực tế và những thành quả từ công việc mới quyết định mức lương của các bạn.

Từ đó, giảng viên này nêu vài ví dụ: “Lấy ví dụ trong ngành quan hệ công chúng - truyền thông, các sinh viên vừa tốt nghiệp có thể tìm được việc từ nhân viên cấp thấp ở mức đãi ngộ 8 - 10 triệu đồng/tháng, đó là mức lương khá tốt. Để được trả mức lương ấy, các bạn phải cho thấy sở trường lẫn tiềm năng phát triển, thái độ phù hợp với nghề. Ở những ngành “nóng” đang thu hút nhiều nhân tài, những nhân sự này được trả lương cao so với mặt bằng chung, song họ nhận được mức lương cao là vì tương xứng với công sức. Ngoài ra, khi “cầu” về nhân sự một ngành nào đó đang vượt “cung”, cũng là lúc nhân sự được trả lương cao. Song tôi cho rằng đó chỉ là trong ngắn hạn. Về lâu dài, vẫn là do năng lực cốt lõi của người lao động quyết định mức thu nhập của họ”, thạc sĩ Tú nói.

Việc nhẹ lương cao có thực sự tồn tại ? - ảnh 2
Một hội nhóm chuyên đăng tin "việc nhẹ lương cao" có nhiều dấu hiệu lừa đảo

chụp màn hình

Trong khi đó, nhìn nhận dưới góc độ tâm lý, thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thanh Trà, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết vẫn còn một số bộ phận giới trẻ vẫn tin chờ vào sự may mắn để có một công việc lương cao nhưng không vất vả. Tuy nhiên, chuyên gia này bác bỏ giới trẻ thích “việc nhẹ lương cao” đang là xu hướng hiện nay, mà chỉ là thực tế của một số bạn trẻ chưa trưởng thành về nhận thức, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, không tự tin vào năng lực bản thân và không dám vượt qua cái tôi hiện tại.

Nên cọ xát với thực tế

Thạc sĩ Tú nhấn mạnh cách tốt nhất để xóa đi suy nghĩ “việc nhẹ lương cao” là bạn trẻ hãy đi làm, hãy cọ xát thật nhiều với thực tế ngay từ khi còn trên ghế giảng đường, từ đó sẽ thấy công việc nào cũng có giá trị riêng và một ngày nào đó, việc nhẹ vẫn được nhận mức đãi ngộ giá trị cao.

Trong khi đó, thạc sĩ Trà cho rằng cần tăng cường giáo dục của gia đình và nhà trường về năng lực cảm xúc xã hội. Giáo dục nhà trường, nhất là trong môi trường giáo dục nghề, cao đẳng, đại học, cần thay đổi cách tiếp cận và trang bị đầy đủ về kiến thức, thái độ, kỹ năng cần có cho từng ngành/nghề đào tạo. Giới trẻ nên tập trung đầu tư kiến thức, ngoại ngữ và kỹ năng sống. Thay đổi nhận thức, xóa bỏ tư duy “việc nhẹ lương cao” để có thể hòa nhập và thích nghi được với bất kỳ môi trường nào trong “thế giới phẳng” hiện nay.