Những bất cập, tắc nghẽn trong khâu định giá đất tại nhiều địa phương thời gian qua sẽ được tháo gỡ khi nghị định 71 quy định về giá đất có hiệu lực kể từ ngày Luật Đất đai 2024 được thi hành vào 1-8.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở TN&MT TP.HCM - khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những điểm tích cực của chính sách mới về đất đai. Ông Thắng nói:
- Không riêng TP.HCM mà các tỉnh thành cũng sẽ được tháo gỡ những tồn đọng lâu nay liên quan đến
Ông Nguyễn Toàn Thắng
* Thưa ông, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM than gặp vướng trong khâu định giá đất, khó tìm kiếm những đơn vị thẩm định giá. Vì sao tắc ở khâu này?
- Thời gian qua việc xác định giá đất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu rơi vào những hồ sơ có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003 và các hồ sơ thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm.
Thực tế việc xác định giá này gặp khó khăn lớn nhất đó là khâu thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất.
Các đơn vị tư vấn từ chối, không tham gia xác định giá đất do tại thời điểm đó, việc thu thập thông tin đầu vào để xác định giá đất rất hạn chế, có những trường hợp hầu như không thu thập được thông tin đầu vào.
Rất nhiều hồ sơ bị ngưng trệ khi không thuê được đơn vị tư vấn, thậm chí có nhiều trường hợp tìm kiếm "đỏ mắt" vẫn không thuê được đơn vị tư vấn. Điều này làm cho quá trình xác định giá đất kéo dài tháng này qua năm khác mà đến nay vẫn chưa xử lý được.
* TP.HCM có bao nhiêu dự án đang tắc ở khâu định giá đất này?
- Đến nay có gần 200 hồ sơ gặp vướng ở khâu định giá đất (vướng trong việc thu thập thông tin). Trong đó chúng tôi phân ra theo 2 nhóm là các dự án giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và dự án cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 1993 và 2003 và nhóm các dự án thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm theo Luật Đất đai năm 2013 (nhóm này là các dự án có tính đặc thù như khu công nghiệp, cảng).
* Những quy định mới của nghị định 71 liệu có giúp những điểm nghẽn định giá đất tại TP.HCM được khơi thông?
- Chúng tôi đánh giá những quy định mới của nghị định này rất tích cực trong tình hình hiện nay. Thứ nhất là giải phóng được những tồn đọng, không chỉ TP.HCM mà cho tất cả các tỉnh thành khác khi gặp vướng trong những trường hợp cho thuê đất trả tiền hằng năm nhưng chưa xác định giá đất.
Cư dân chung cư Lexington (phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) của Novaland chưa đủ điều kiện cấp sổ hồng do chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính dù người dân đã vào ở nhiều năm - Ảnh: T.T.D.
Ông Đào Trung Chính (cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ TN&MT):
Sẽ giải quyết tồn đọng trong định giá đất
Tôi cho rằng nghị định 71 sẽ giúp các địa phương giải quyết được những tồn đọng trong lĩnh vực định giá đất đai đầu vào của các dự án bất động sản. Các quy định về định giá đất đã rõ ràng hơn, rõ trách nhiệm hơn, với những quy tắc định giá chuẩn mực hơn, giúp địa phương dễ dàng hơn trong định giá đất đai.
Đối với các dự án đã được giao đất nhiều năm nhưng đang vướng mắc, Luật Đất đai vừa ban hành đã chốt cứng "giao đất ở thời điểm nào thì xác định giá đất tại thời điểm đó" nên không có gì phải bàn thêm về thời điểm xác định giá đất.
Vấn đề đặt ra là phương pháp nào để xác định tiền sử dụng đất, dự án được giao nhiều năm nhưng doanh nghiệp chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền
thuê đất, có phải nộp thêm không sẽ được Chính phủ quy định cụ thể trong nghị định chung về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sẽ ban hành trong thời gian tới.
Nếu lỗi chậm nộp là do doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nộp tiền phạt chậm nộp. Nhưng nếu lỗi không phải của doanh nghiệp sẽ xác định mức thu thêm phù hợp. Việc xác định doanh nghiệp phải nộp thêm bao nhiêu chi phí đất đai sẽ được quy định trong dự thảo nghị định liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chuẩn bị ban hành.
Với các dự án được giao đất từ nhiều năm trước có giá đất rất thấp, quan điểm của Bộ TN&MT là sẽ thu thêm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Mức thu thêm tương đương lãi vay khoản tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong những năm chậm nộp. Như vậy hài hòa được lợi ích của cả Nhà nước và doanh nghiệp, bảo đảm tính công bằng, minh bạch.
GS Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT):
Nhiều chủ đầu tư sẽ phải trả lại dự án
Việc gỡ vướng cho các dự án đã được giao đất từ nhiều năm trước là rất khó. Nếu định giá theo giá trị đất đai hiện nay, giá đất sẽ tăng mạnh, nhiều khi vượt quá khả năng của chủ đầu tư. Nhưng cơ quan quản lý địa phương buộc phải làm đúng.
Chủ đầu tư nào chịu nổi thì nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để tiếp tục làm dự án. Trường hợp chủ đầu tư không thể chi trả chi phí tài chính đất đai, phải chấp nhận trả lại dự án, trả lại đất cho Nhà nước. Quy định đã được ban hành, địa phương cũng không thể giảm giá đất cho phù hợp với năng lực nhà đầu tư được.
Tuy nhiên, định giá đất chỉ là một khâu trung gian ở giữa, nên cần thay đổi cơ chế quản lý đất đai như nhiều nước đang làm để tăng hiệu quả khai thác, sử dụng đất.
Ông Nguyễn Văn Đính (chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN):
Phải chờ triển khai trong thực tế
Nghị định 71 hướng tới việc tháo gỡ những vướng mắc của nhiều dự án trong giai đoạn trước đây nhưng vấn đề là các đơn vị tư vấn thẩm định giá, đơn vị kiểm tra, thẩm duyệt và vai trò của chính quyền địa phương trong thực thi chính sách.
Việc định giá đất là vấn đề phức tạp liên quan đến lợi ích của cả Nhà nước và doanh nghiệp, nên cần chờ đợi việc thực thi quy định trong thời gian tới mới rõ được hiệu quả gỡ vướng cho các dự án.
Ông Nguyễn Tăng Đông (phó giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ và tư vấn Hồng Đức) :
Thuận lợi cho đơn vị thẩm định giá
Những quy định trong nghị định 71 sẽ giúp công tác thẩm định giá đất nhanh hơn bởi một số nội dung sẽ giao cho UBND TP ban hành, các yếu tố về chi phí, doanh thu sẽ được quy định rõ, trở thành cơ sở pháp lý để tham chiếu cho thẩm định viên.
Điều này sẽ tránh việc tùy tiện, mỗi đơn vị làm mỗi kiểu dẫn đến rủi ro cho bên định giá khi bị hậu kiểm. Các công ty thẩm định sẽ dễ dàng hơn trong định giá và khâu này cũng sẽ nhanh hơn, giúp
các doanh nghiệp sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người dân mua chung cư, căn hộ cũng sẽ sớm được cấp giấy chứng nhận.
Bà Phạm Thị bình (chuyên gia thẩm định giá):
Tính đúng, tính đủ các chi phí
Những quy định mới trong nghị định 71 đã tiếp thu các ý kiến góp ý, tính đúng, tính đủ các chi phí theo thị trường. Đồng thời quy định đã phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh được ban hành một số tỉ lệ chung.
Trước đây do thiếu những cơ sở dữ liệu để thu thập thông tin dẫn đến định giá kéo dài, thậm chí không thể định giá, nhưng quy định mới đã khơi thông để định giá.
Tuy nhiên cơ sở dữ liệu về thị trường từ cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có, trước mắt các đơn vị tư vấn vẫn phải dựa theo khảo sát thị trường, trong khi thông tin thị trường khá hạn hẹp nên việc thực hiện quy định mới giai đoạn đầu vẫn còn khó khăn.
Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Giúp người dân sớm được cấp sổ hồng
Nghị định 71 đã tiếp thu hầu hết góp ý khi đã quy định và tính các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp. Những khó khăn trong việc xác định thông tin định giá đã được quy định cụ thể, do đó các địa phương chỉ chịu trách nhiệm trong từng khâu, không còn chịu trách nhiệm tất cả các khâu trước đó.
Điều này sẽ thúc đẩy nhanh quá trình định giá đất cho các dự án còn gặp vướng, nhất là tại TP.HCM khi có nhiều dự án bất động sản gặp vướng ở khâu định giá đất, tính tiền sử dụng đất toàn bộ dự án hoặc tính tiền sử dụng đất bổ sung.
Nếu làm được điều này, TP sẽ giải quyết nhanh được việc cấp sổ hồng tại các dự án đang gặp vướng.
Định giá đất theo 4 phương pháp
Chính phủ vừa ban hành nghị định số 71/2024 quy định cụ thể trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp gồm: so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị các đại biểu Quốc hội chỉ rõ nhóm lợi ích bất hợp pháp về sách giáo khoa để phối hợp 'bắt mang đi tiếp'.
Cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái bị cáo buộc nhận hối lộ định kỳ hằng năm, tổng cộng 24,9 tỉ đồng, để nâng đỡ, dọn đường cho doanh nghiệp “sân sau” trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa.
Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM cho rằng đã đề nghị cấp sổ hồng cho gia đình ông Bùi Mộc từ tháng 5-2023, việc cấp sổ còn lại thuộc thẩm quyền của UBND quận Tân Bình.
Luật Kinh doanh bất động sản không cho phép dự án phân lô bán nền tại khu vực đô thị. Với thực trạng phân lô bán nền nhức nhối như thời gian qua, liệu các địa phương có thể ngăn chặn?
TP.HCM vừa đề xuất làm 42 công viên dọc bờ sông Sài Gòn để tạo nên chuỗi hạ tầng phát triển du lịch, thương mại. Từ lâu người dân mong mỏi về dòng sông Sài Gòn "trên bến dưới thuyền" nhộn nhịp, thơ mộng như sông Seine (Pháp).
'Nếu ký ức về con người Biệt động Sài Gòn không được trưng bày cho thế hệ trẻ nhìn ngắm thì nó sẽ biến mất khỏi dòng chảy cuộc sống của ta...' là chia sẻ của ông Trần Vũ Bình, người sáng lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Một người tại Đà Nẵng vừa bị khởi tố để điều tra tội gây ô nhiễm môi trường. Đây là trường hợp khá hiếm hoi tại địa phương này bị xử lý hình sự về hành vi trên.
Chuỗi 42 công viên dọc sông Sài Gòn được kỳ vọng tạo hạ tầng đa chức năng phát huy vai trò, tiềm năng của sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế dịch vụ.