Thực phẩm 'nhà làm' khó đảm bảo an toàn vệ sinh

BĐS12h
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, mua bán thực phẩm tết “handmade” (nhà làm) đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây.

Tại Hà Nội, trước rằm tháng Chạp, các sản phẩm “handmade” cho vụ tết bắt đầu được chào bán nhộn nhịp trên các chợ online. Đơn cử như mứt dừa đang được bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 240.000 - 350.000 đồng/kg; ô mai mơ, mận, quất dẻo giá 280.000 - 300.000 đồng/kg; chuối sấy 190.000 đồng/kg; mứt sen 220.000 đồng/kg; mứt gừng 150.000 đồng/kg…

Ngoài bánh mứt kẹo, các loại thực phẩm đặc sản vùng miền cũng bắt đầu nhận đơn hàng tết. Trong đó, bò khô giá từ 700.000 - 1,1 triệu đồng/kg, trâu khô 1 triệu đồng/kg, khô gà 360.000 - 380.000 đồng/kg, lạp sườn giá từ 450 - 480.000 đồng/kg… Chị Trần Phương Mai, chuyên bán thực phẩm online cho hay: “Bình thường tôi chuyên bán thực phẩm chế biến sẵn, tết thì có nhận thêm lạp sườn, thịt trâu, thịt lợn khô, măng khô… đặc sản Tây Bắc về bán. So với tết năm ngoái, đến thời điểm này giá cả hầu như không tăng, nếu có cũng chỉ tăng nhẹ 10.000 đồng/kg”.

Điểm chung của các sản phẩm này là đều được giới thiệu hàng thủ công “nhà làm” hoặc lấy mối quen uy tín, nguyên liệu tươi, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm không hề có nhãn mác, không đăng ký chất lượng sản phẩm, không địa chỉ liên hệ, không hạn sử dụng… nhưng vẫn được chào bán nhộn nhịp.

Trên thực tế, khách hàng mua online chủ yếu mua bằng niềm tin, qua lượng tương tác lớn hoặc lời giới thiệu của bạn bè, người thân, chứ chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng. Vì vậy, không ít khách hàng tỏ ra thất vọng khi mua phải hàng không như quảng cáo. Chị Bích Hiền, nhân viên văn phòng ở Q.Ba Đình, chia sẻ: “Tôi mua thử mứt dừa của một cửa hàng online với giá 340.000 đồng/kg. Người bán quảng cáo loại mứt dừa ít ngọt, siêu dẻo nhập từ mối nghệ nhân nổi tiếng ở Bến Tre, mỗi mùa tết chỉ dành cho mối quen với số lượng rất hạn chế. Thế nhưng, khi nhận hàng, ngoài hút chân không, túi mứt dừa không hề có nhãn mác, địa chỉ chứng tỏ do nghệ nhân làm. Ăn thử cũng bình thường như mứt bán trên thị trường, không có gì đặc biệt, còn giá thì đắt hơn đến 40.000 đồng/kg”.

Siết kiểm soát cơ sở chế biến thực phẩm “handmade”

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, nhìn nhận các đợt ra quân cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) của các bộ, ngành trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm chỉ có giá trị răn đe. Số lượng cơ sở sản xuất quá nhiều, cơ quan chức năng không thể có đủ lực lượng đi kiểm tra hết. Theo đó, công tác kiểm tra nên chọn những cơ sở lớn, những mặt hàng tiêu dùng phổ biến, được tiêu thụ số lượng lớn để tiến hành kiểm tra có trọng tâm và trọng điểm.

Cũng theo ông Thịnh, đa số các cơ sở sản xuất quy mô lớn hoặc các doanh nghiệp đều có ý thức gìn giữ thương hiệu, chất lượng sản phẩm nên ý thức chấp hành các quy định ATTP. Đáng lo nhất hiện nay là thực phẩm chế biến ở quy mô xưởng sản xuất gia đình, người dân tự chế biến để bán như nhiều sản phẩm mứt, cá kho, giò chả… bán khắp cả nước thông qua mạng xã hội. Người chế biến sản phẩm không được tập huấn về kiến thức, nơi chế biến khó đảm bảo những quy chuẩn đảm bảo ATTP… Ông Thịnh phân tích những cơ sở hộ gia đình kiểu này thường có vi phạm phổ biến là hoạt động kinh doanh nhưng không khai báo, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và không đăng ký về đảm bảo an toàn và chất lượng của sản phẩm thực phẩm tự chế biến là mối nguy ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng. Trên thực tế, những cơ sở này không được quản lý, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan địa phương.

Ông Thịnh dẫn chứng ngay trong vụ sản phẩm patê Minh Chay có độc tố dẫn tới chết người, chỉ khi phát hiện ra, nhiều cơ quan mới vào cuộc, phát hiện họ có xưởng ở H.Đông Anh, Hà Nội. Trong khi sản phẩm từ đây đã được phân phối, bán đi khắp cả nước. Điều này cho thấy công tác quản lý, giám sát cơ sở sản xuất, chế biến tại địa phương rất quan liêu, thậm chí là buông lỏng.

“Địa phương nào cũng có cán bộ chuyên trách quản lý, giám sát về ATTP. Nếu các hộ chỉ chế biến nhỏ lẻ, bán nội tại trong làng, xã thì không nói nhưng họ sản xuất với quy mô lớn, bán ầm ầm trên Facebook, đi khắp cả nước là thành cơ sở sản xuất thì cán bộ cũng phải nắm được, chứ không chờ báo cáo khi có sự cố. Đó là cách quan liêu phổ biến ở nhiều địa phương. Nếu đã có chế tài xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về ATTP thì cũng nên có chế tài xử lý bộ máy quản lý ở cơ sở buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong giám sát, kiểm soát ATTP tại địa phương”, ông Thịnh nói.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, pháp luật không cấm người dân chế biến, sản xuất thực phẩm kinh doanh thương mại. Nhưng nếu một hộ gia đình đã có hoạt động kinh doanh thương mại, dù bán qua mạng xã hội hay bất cứ hình thức nào thì cũng phải tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP. Theo đó, các cơ quan nhà nước phải hướng dẫn, vận động những hộ thành lập cơ sở có đăng ký kinh doanh để vừa thực hiện nghĩa vụ thuế, vừa để quản lý chặt chẽ đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Phát hiện cơ sở thực phẩm sử dụng hàn the

Thực phẩm 'nhà làm' khó đảm bảo an toàn vệ sinh - ảnh 1

Ngày 16.1, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Trị) cho biết vừa phát hiện 2 cơ sở sản xuất thực phẩm sử dụng hàn the.

Theo đó, vụ đầu tiên bị phát hiện lúc 18 giờ ngày 11.1 tại cơ sở sản xuất chả của bà Nguyễn Thị Thúy (trú tại P.1, TP.Đông Hà). Vụ thứ 2 phát hiện lúc 11 giờ ngày 12.1 tại cơ sở sản xuất chả của bà Lê Thị Mùi (trú tại khối 4, TT.Khe Sanh, H.Hướng Hóa). Kết quả test nhanh đối với số chả được sản xuất tại 2 cơ sở nói trên,đã phát hiện 54 kg chả không an toàn và 0,5 kg bột hàn the sử dụng để chế biến chả (ảnh). Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm.