Dự án đường Vành đai 3 TPHCM thực hiện đầu tư công, chia thành 8 dự án thành phần và đã phân cấp cho UBND các địa phương dự án đi qua làm chủ đầu tư, gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 75,3 nghìn tỷ đồng, ngoài phần vốn ngân sách trung ương, các địa phương có dự án đi qua còn phải sử dụng ngân sách địa phương góp vào. Trong đó, riêng Bình Dương phải bố trí khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng (giai đoạn tới năm 2025 bố trí khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 bố trí hơn 1,8 nghìn tỷ đồng).
Cử tri Bình Dương cho rằng, hiện vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương đã được phân bổ cho từng dự án, nên việc cân đối, bố trí vốn cho dự án Vành đai 3 TPHCM giai đoạn từ nay tới năm 2025 rất khó khăn. Do đó, địa phương đề nghị các bộ ngành có cơ chế để tỉnh bố trí đủ nguồn lực, đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ. Và đề nghị được phân cấp mạnh hơn để địa phương chủ động triển khai, đặc biệt trong bố trí quỹ đất để bố trí tái định cư.
Bình Dương lo khó bố trí ngân sách địa phương để làm đường Vành đai 3 TPHCM. |
Bộ GTVT cho rằng, với dự án Vành đai 3 TPHCM, ngoài vốn các địa phương bố trí, còn có tham gia của ngân sách trung ương. Quốc hội cũng cho phép các địa phương tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Quốc hội cũng cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về nguồn vốn đầu tư, tổ chức thực hiện dự án, cơ chế chỉ định thầu, khai thác vật liệu xây dựng thông thường… để tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố chủ động trong quá trình triển khai dự án.
Vành đai 3 TPHCM dài trên 76km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí cho dự án trên 17,1 nghìn tỷ đồng, các địa phương có dự án đi qua bố trí thêm ngân sách địa phương tham gia vào khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.