4 định kiến sai lầm nhà đầu tư cần tránh

Bảo An
Quá lạc quan, tin tưởng vào đám đông, phụ thuộc vào người quen... có thể dẫn các nhà đầu tư đến thất bại.

Trong đầu tư, phần lớn những quyết định sai lầm bắt nguồn từ việc cảm xúc bị chi phối. Các “bẫy" phổ biến như “thông tin đám đông" hay “cảm giác tự mãn" là những thử thách yêu cầu sự tỉnh táo và chính kiến riêng của các nhà đầu tư.

Định kiến, hay được hiểu như một khái niệm về tư duy đóng. Khi ta mặc định những giả định của bản thân là đúng, ta có thể bỏ qua những thông tin quan trọng khác, chi phối trực tiếp các quyết định gây thua lỗ. Thay vì dựa trên những phân tích nhằm tối ưu hoá vấn đề, những nhà đầu tư thất bại vì xu hướng tâm lý chủ quan, không tiếp thu cái mới và bảo thủ trong suy nghĩ của mình. Benjamin Graham, một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất mọi thời đại và là tác giả của “Nhà đầu tư thông minh” đã từng nói, “Vấn đề chính của nhà đầu tư - thậm chí là kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta - chính là bản thân chúng ta”.

Để khắc phục ảnh hưởng bất lợi của cảm xúc chủ quan trong đầu tư tài chính, Toàn Cảnh Bất Động Sản đưa ra những khái niệm thường gặp, để từ đó, các nhà đầu tư có thể hiểu và điều chỉnh để tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc và đạt được kết quả như mong muốn. Rất khó để tách rời cảm xúc khỏi việc đầu tư, nhưng những nhà đầu tư thành công có khả năng làm được điều đó.

Quá lạc quan

Tự tin thái quá thường xảy ra đối với những người “ngủ quên trong chiến thắng". Họ cho rằng, với kinh nghiệm thương trường cùng với số liệu thông tin của mình đang nắm sẽ giúp họ luôn trong vị trí của người chiến thắng. Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo, đặc biệt trong đầu tư tài chính, khái niệm tuyệt đối gần như là bất khả thi.

Vào cuối những năm 1980, các nhà tâm lý học tại Đại học Pennsylvania đã tiến hành một nghiên cứu dài hạn, mời gần 300 chuyên gia về chính trị, kinh tế, phân tích tình báo chí để dự đoán xác suất của các sự kiện khác nhau trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Nhóm đã đưa ra hơn 25.000 dự đoán. Một số chuyên gia chắc chắn 80% về dự đoán của họ, nhưng chúng đã được chứng minh là đúng chưa đến 60%. Có thể thấy, việc dự đoán ngay ở các chuyên gia cũng có thể chỉ là thuyết tương đối.

smart-illustrations-davide-bonazzi-5ae814440f41c700-15500297033741464167775-crop-15500297101181734264825-1631692790.jpg

Ưu tiên sự thân quen

Cảm giác ưu tiên sự thân quen diễn ra khá phổ biến trong giới đầu tư. Sẽ thật dễ dàng để mua đồ ở một cửa hàng quen thuộc với bạn hơn là phải bắt đầu với những lựa chọn ở những cửa hàng mới toanh khác. Tương tự như vậy, có rất nhiều nhà đầu tư có tâm lý chỉ mua cổ phiếu/trái phiếu trong nước. Đôi khi, nhà đầu tư sở hữu cổ phần lớn cố phiếu của công ty mà họ làm việc ở đó hay họ mua cổ phần từ những công ty có mối quan hệ với họ trước đó. Tuy nhiên, cố định bản thân với những lựa chọn quen thuộc sẽ làm giới hạn khả năng gia tăng tài sản về lâu dài.

Một ví dụ điển hình trong trường hợp này có thể kể đến khủng hoảng của công ty Enron (Mỹ). Sự sụp đổ của công ty xấu số đã ảnh hưởng đến hàng nghìn nhân viên và làm rung chuyển phố Wall. Một nhân viên 50 tuổi làm việc ở công ty này cho hay tổng giá trị $401,000 đô la mà ông đã đầu tư vào cổ phiếu công ty đã sụt giảm xuống còn $40,000 đô. Vào thời kỳ đỉnh cao của Enron, cổ phiếu trị giá 90,75 đô la; ngay trước khi tuyên bố phá sản vào ngày 2 tháng 12 năm 2001, họ đã giao dịch ở mức $ 0,26,1. Bài học từ Eron chính là: hãy nhớ giá trị của việc đa dạng hoá trong đầu tư.

Dựa dẫm vào đám đông

Warren Buffett từng nói “Hãy sợ hãi khi mọi người tham lam và hãy tham lam khi mọi người sợ hãi”. Ông hướng tới việc hãy có chính kiến riêng trong đầu tư trước những xu hướng đám đông, một trong những bẫy “mật ngọt chết ruồi". Điều này xảy ra phổ biến ở những người mới bắt đầu đầu tư hoặc tham gia vào các lĩnh vực mới. Thay vì phân tích những dữ liệu từ nhiều nguồn thì họ là bị cuốn theo những thông tin của đám đông và cảm thấy an toàn bởi tâm lý “số đông luôn đúng".

Bản năng bầy đàn trên quy mô lớn có thể tạo ra bong bóng tài sản hoặc sụp đổ thị trường tạo ra các giao dịch mua bán trong hoảng loạn. Ta có thể nhìn lại các sự kiện khủng hoảng kinh tế lớn nhỏ trong quá khứ như năm 2008, cuộc sụp đổ của dotcom dẫn đến thời kì Đại Suy Thoái trong một thời gian dài khiến cho các nhà đầu tư rơi vào tình trạng hoảng loạn, buộc phải bán tháo tài sản, thậm chí là tuyên bố phá sản.. Đây là một hệ quả điển hình của bản năng bầy đàn đã làm gia tăng và bùng nổ của bong bóng của ngành đó.

Để thoát khỏi bẫy tâm lý này, hãy tập trung vào các giải pháp sau:

- Tư nghiên cứu và đưa ra những chính kiến của riêng mình dựa trên những phân tích cá nhân

- Đặt câu hỏi tại sao mọi người lại có cùng nhận định chung

- Hãy có khoảng nghỉ nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc đưa ra quyết định ở thời điểm hiện tại. Không nên quá nóng vội

- Chủ động, quyết liệt và đừng ngại nổi bật trước đám đông

Ác cảm với thua lỗ

Một số nhà đầu tư hay có cảm giác lo sợ thất bại khi họ từ chối đưa ra bất kỳ quyết định nào vì sợ rằng quyết định đó sẽ trở thành sai lầm và sau đó có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi. Quá trình cảm xúc đằng sau điều này khá đơn giản. Hối tiếc gây ra nỗi đau tinh thần. Do đó, bộ não luôn cố gắng tránh đưa ra các quyết định gây ra sự hối tiếc.

Ác cảm với thua lỗ thường thấy trong các khoản đầu tư bất động sản. Các nhà đầu tư từ chối bán tài sản của họ khi bị thua lỗ và giữ nó với hy vọng khoản đầu tư sẽ có lãi vào một ngày nào đó. Trong suốt thời gian nắm giữ khoản đầu tư, họ phải trả lãi cho các khoản vay mà lẽ ra họ có thể tránh được nếu bán sớm hơn.

Không ai thích thua lỗ, nhưng sự chán ghét thua lỗ có thể khiến nhà đầu tư mất nhiều tiền hơn những gì họ sợ. Có những rủi ro liên quan đến đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát và chúng ta không thể luôn luôn đúng. Đôi khi, chấp nhận những khoản lỗ và chuyển sang các lựa chọn đầu tư thay thế sẽ tốt hơn là ôm lỗ bất chấp. Nhà đầu tư nên có một quy trình đánh giá hiệu suất danh mục đầu tư hợp lý và khách quan; nhờ sự trợ giúp của cố vấn tài chính nếu cần.