Tốt nghiệp đại học top ra làm môi giới bất động sản

Lan Anh
Thuỳ Dung, vừa tốt nghiệp đại học Ngoại Thương, thông thạo 3 thứ tiếng và có 2 năm kinh nghiệm làm biên phiên dịch cho một tổ chức quốc tế, đã quyết định đầu quân về sàn giao dịch bất động sản có tiếng.

Bán "hàng hiếm", nhận phí khủng

Thuỳ Dung - cử nhân chỉ vừa tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương cho biết, cô có lợi thế về ngôn ngữ nhưng công việc thời sinh viên của cô chỉ giới hạn trong các mối quan hệ nhỏ. Cô mong muốn được mở rộng quan hệ xã hội thông qua nghề môi giới. Thêm vào đó, động lực để Thùy Dung theo nghề môi giới ngay khi vừa ra trường chính là thu nhập.

Hiện tại, các chủ đầu tư trả cho môi giới mức hoa hồng từ 2,5 đến 3,5%. Tuy vậy, Thùy Dung cho biết để có thể đạt thu nhập mong muốn, cô hướng đến những dự án "khó nhằn" như biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ hạng sang vì có thể mức hoa hồng đến 4-5%. Thuỳ Dung cho biết, trong công ty cô không thiếu những anh chị môi giới mỗi tháng chốt đơn vài căn "hàng hiếm" như vậy, mỗi căn hơn chục tỷ. Với mỗi căn như vậy, hoa hồng không dưới trăm triệu đồng, bằng vài tháng lương so với một số bạn bè làm văn phòng của cô.

Thanh Minh, một môi giới sinh năm 1996 chuyên mảng cho thuê tại các chung cư Vinhomes Golden River, Sunwah, Masteri tiết lộ tổng thu nhập của bạn rơi vào 20 - 30 triệu đồng/ tháng. Mùa dịch mọi thứ chững lại, bạn phải liên kết với nhiều môi giới khác để tìm khách, nên thu nhập giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn gọi là dễ chịu hơn so với làm nghề quản lý quán cafe bạn làm trước đây.

Còn Thuỵ Vũ, một môi giới bất động sản có kinh nghiệm 8 năm cho biết trước đây chị làm kế toán, sau đó do nghỉ sinh con, muốn tìm một công việc thời gian linh động để còn chăm sóc con cái. Chị gia nhập nghề khá muộn, khi đã hơn 30 tuổi. Đến nay, chị đã có khoản vốn kha khá. Theo chị, những người làm môi giới tốt, nếu chăm chỉ liên tục 3 đến 5 năm đánh chiến các dự án lớn thì hoàn toàn có thể yên tâm nghỉ hưu sớm.

Trong thời điểm hiện tại khi giãn cách xã hội đang xảy ra ở hầu hết các thành phố lớn, các hoạt động giao dịch bị ngưng trệ thì kể cả Thụy Vũ, Thanh Minh hay Thùy Dung vẫn không gặp quá nhiều khó khăn bởi khoản tích cóp qua những tháng đầu năm làm nghề vẫn còn có thể đảm bảo cuộc sống. Thế nên không mấy khó hiểu khi nhiều người trẻ, có năng lực tự dấn thân vào ngành môi giới bất động sản.

Môi giới bất động sản ngày càng trẻ hoá

Cách đây chừng 5-7 năm, làm sale - nhân viên kinh doanh, đa số là người có kinh nghiệm, đồng nghĩa với việc tuổi đời phải tương đối, khoảng trên 30 tuổi. Bởi vì làm sale cần rất nhiều mối quan hệ mà những người trẻ khó có được. Tuy nhiên, hiện nay tuổi của môi giới bất động sản đã trẻ hoá dần. Lứa sinh năm 90-91 đã được coi là trưởng thành trong giới, lớp trẻ sinh năm 98, 99 cũng không ngại "xông" vào thị trường.

Theo thông tin từ anh Trần Thanh Liêm, giám đốc nhân sự của Eximrs RS Group, tuổi của nhân viên môi giới tại tập đoàn trung bình là 22 - 27. Nhiều bạn làm cộng tác viên khi còn học năm 3 đại học, và lộ trình thăng tiến của môi giới trẻ bây giờ rất nhanh. Nếu trước đây môi giới bất động sản có thể từ tay ngang chuyển sang, không yêu cầu trình độ, thì hiện nay các công ty đều ưu tiên tuyển người tốt nghiệp đại học, lưu loát ít nhất một ngoại ngữ là một lợi thế.

Câu hỏi là những người môi giới thế hệ 8x đã đi đâu, có phải họ bị đào thải không? Thuỵ Vũ cho biết đa số sale lâu năm sẽ chăm sóc khách quen, là những nhà đầu tư chuyên nghiệp mua đi bán lại nhiều căn, nhiều năm. Một số họ trở thành quản lý trong các công ty bất động sản hoặc doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bán hàng. Rất nhiều môi giới 8x thành công rời khỏi thị trường do đã "kiếm đủ", số khác thì ra lập công ty riêng.

Thành công nhiều, "rụng" cũng không ít

Theo thông tin từ Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, lực lượng hành nghề hiện nay có khoảng 300.000 người. Tuy nhiên, những người lâu năm trong giới xác nhận rằng 10 người làm thì có tới hơn một nửa bỏ nghề sau một năm, những người trụ lại lâu hơn đa số sẽ theo lâu dài và có thành công nhất định. Chưa có số liệu cụ thể tỉ lệ bỏ nghề, đổi nghề, nhưng có thể thấy, môi giới bất động sản là một nghề áp lực và cạnh tranh rất cao.

Jenny Le từng là môi giới chuyên khu vực Thảo Điền tâm sự rằng có lúc cô vô cùng hào hứng xông pha tìm khách, tư vấn, nhưng cũng có khi bị down mood (xuống tinh thần) trầm trọng. "Nhiều hôm hôm nói chuyện với khách xong là chán không muốn làm gì cho đến vài hôm sau. Tư vấn mười khách có khi không chốt được deal nào là thường. Phải có động lực ghê gớm lắm mới theo được nghề này lâu dài. Thế nên em đã tự bỏ nghề sau 1 năm".

moi-gioi-bat-dong-san-1626355173.jpg
Phải có động lực ghê gớm lắm mới theo được nghề môi giới bất động sản lâu dài

Khác với cò đất, nghề môi giới bất động sản chuyên nghiệp cần nhiều loại kĩ năng. Chẳng hạn ở mảng cho thuê, môi giới đôi khi phải tư vấn luôn cho khách về dịch vụ chuyển nhà, phụ giúp chuyển đồ, hỗ trợ khách đăng ký internet, gọi nước uống, làm việc với ban quản lý tòa nhà, đăng ký tạm trú tạm vắng... Môi giới mảng mua bán thì cần biết luôn thủ tục sang tên, đóng thuế, tư vấn tài chính ngân hàng…

"Phần đông các môi giới trẻ bỏ nghề do không tìm được khách", Trọng, một môi giới 5 năm trong nghề cho biết. Theo anh, hiện nay tìm kiếm khách hàng tiềm năng càng lúc càng khó khăn. Nhiều môi giới phải chấp nhận bỏ tiền đăng tin trên các trang bất động sản để kiếm leads (thông tin khách hàng). Giá đăng tin không hề rẻ, có khi họ bỏ ra vài triệu/tháng mà lượng leads lấy về chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một số môi giới thú nhận rằng họ không đủ say mê với nghề, số khác bỏ nghề sau một thời gian ngắn do luôn cảm thấy như đang "làm dâu trăm họ", nhất là ở mảng cho thuê. Trần Huy kể anh chứng kiến nhiều đồng nghiệp trẻ tức giận với những đòi hỏi của khách rồi cự cãi và nghỉ việc. "Không đủ kiên nhẫn, tận tâm thì khó mà làm môi giới mảng cho thuê. Bởi vì khách thuê căn hộ cao cấp đa phần là bận rộn, thường là họ khoán hết cho môi giới từ thủ tục cho tới moving - chuyển nhà và hậu cần nữa. Mỗi một khách có khi cần chăm sóc cả tháng, khi nào khách "yên ấm" trong căn hộ thì mình mới xong việc", Huy cho hay.

Thuỳ Dung kể thêm ở công ty cô, các nhân viên trẻ được giao một tệp khách hàng để chăm sóc. Công việc của họ là gửi mail giới thiệu dự án, nếu khách quan tâm thì sẽ trả lời mail và gọi điện để nói chuyện thêm. Nhưng không thể cứ dựa dẫm vào dữ liệu có sẵn, cô cũng phải tận dụng tất cả các mối quan hệ xung quanh để tìm kiếm khách, dù việc đó không dễ dàng gì. Tuy nhiên, cô cho biết sẽ quyết tâm đeo bám nghề này, chờ đợi dịch được kiểm soát, trở lại bán hàng và tận hưởng cảm giác kiếm được tiền tỉ sau một hợp đồng.

"Đó sẽ là ngày huy hoàng của tuổi trẻ", cô cười đầy tự tin.

Huy Khôi