Đa số các nạn nhân ngụ tại các quận: 12, Gò Vấp, Tân Bình... Họ đã nhiều lần kéo nhau đến UBND H.Hóc Môn để tố cáo các đối tượng (được xác định là cùng một gia đình), gồm: ông Phạm Quang Vũ, các bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trần Thị Xuyến (đều ngụ Q5).
MUA PHẢI ĐẤT “MA”, TIỀN MẤT, HẬN MANG
Ông Nguyễn Xuân Quang (ngụ P13, Q.Gò Vấp) đại diện cho hơn 100 nạn nhân đã gửi đơn cầu cứu đến Báo Công an TPHCM. Nội dung đơn trình bày: Hầu hết người dân mua đất của ông Vũ - bà Thủy đều là những người có thu nhập thấp. Ngoài số tiền tích cóp cả đời, nhiều người phải đi vay mượn thêm để có đủ tiền đặt cọc.
Những ngày đầu năm 2018, gia đình ông Quang phải đi vay mượn của bạn bè, người thân được 5,4 tỷ đồng, giao cho bà Thủy để mua một phần thửa đất số 641, tờ bản đồ số 56 của xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn). Thời hạn đặt cọc được ghi trong hợp đồng là từ 4 - 7 tháng kể từ ngày hai bên ký xong hợp đồng mua bán, bên bán có nghĩa vụ hoàn thiện việc tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất cho bên mua.
Một số nạn nhân đã nộp tiền đặt cọc trình bày sự việc với phóng viên tại Tòa soạn
Sau khi ký hợp đồng mua bán, ông Quang cùng bà Thủy đến Văn phòng thừa phát lại H.Bình Chánh lập Vi bằng số 36 ngày 27-4-2018 về tính pháp lý của giao dịch. Sau khi lập vi bằng, quá thời hạn hoàn tất việc tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất nhưng bà Thủy vẫn không hoàn thành nghĩa vụ của mình. Ông Quang nhiều lần yêu cầu bà Thủy thực hiện nghĩa vụ, nhưng không được.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Bá Toàn (ngụ P7, Q.Phú Nhuận) cho biết, hàng trăm trường hợp ở các quận: 12, Tân Bình, Gò Vấp mua đất của ông Vũ và bà Thủy, đều phải đóng tiền cọc từ 300 - 500 triệu đồng/lô đất, nhưng gần 2 năm qua chưa được giải quyết.
Bà Trần Ngọc Loan (ngụ P.Bến Nghé, Q1) và bà Trần Ngọc Minh (ngụ P2, Q.Tân Bình) bức xúc cho biết: Đầu năm 2018, hai bà đặt cọc 1,2 tỷ đồng cho bà Thủy để mua 4 lô đất tại thửa đất số 641 ở xã Đông Thạnh, giá 2,7 tỷ đồng.
Theo đó, trong thời hạn từ 4 - 7 tháng, bà Thủy có nghĩa vụ đi công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sang tên cho bà Loan và bà Minh. Thế nhưng quá thời hạn nêu trong hợp đồng đặt cọc, bà Thủy vẫn không thực hiện điều đã cam kết.
Khi đến xã Đông Thạnh tìm hiểu, bà Loan mới biết rằng, đây chỉ là dự án “ảo”. Thửa đất số 641 có diện tích gần 10.500m2 là đất trồng lúa của ông Mai Văn Khỉ (ngụ H.Hóc Môn). Trước đây, ông Khỉ có nhận tiền đặt cọc để đồng ý chuyển nhượng khu đất cho ông Trần Minh Sáng.
Thời hạn hoàn tất thủ tục mua bán từ 1 - 2 năm, nhưng đến thời điểm hiện nay, việc mua bán vẫn chưa hoàn thành. Ông Khỉ rất bất ngờ vì trong thời gian qua có nhiều người đến tìm hiểu về thửa đất của mình.
Tại hai xã Đông Thạnh và Nhị Bình, các thửa đất đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, nhưng ông Vũ, bà Thủy và bà Xuyến vẫn tổ chức đo vẽ để rao bán. Cả ba câu kết lập ra cả chục dự án “ảo” để dụ khách hàng đặt cọc, chiếm đoạt của họ tổng cộng cả trăm tỷ đồng.
Những dự án này được các đối tượng quảng cáo với những lời có cánh, như: Đất biệt thự nhà vườn, dự án lớn nhất tại H.Hóc Môn, mua xong là có thể tách “sổ đỏ”, giá cả hấp dẫn, cạnh tranh trong mua bán bất động sản... khiến hàng trăm người sập bẫy.
BÁN ĐẤT CỦA NGƯỜI KHÁC NHƯ... BÁN RAU!
Tại ấp Đông Thạnh 8.1 (xã Đông Thạnh), ông Vũ, bà Thủy và bà Xuyến đã tự ý phân ra ít nhất là 260 nền đất “ảo” để bán cho khách hàng. Riêng xã Nhị Bình và trên đường Trịnh Thị Dối (xã Đông Thạnh), 3 đối tượng đã phân ra hơn 70 lô, rao bán rầm rộ. Hầu hết các dự án này đều là đất nông nghiệp của người khác, dẫn đến các khách hàng phải nhận “quả đắng” khi trót nộp tiền cọc.
Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp một khu đất bị các đối tượng đưa vào dự án “ảo”, ông Nguyễn Đức Hùng (chủ khu đất) từ trong nhà chạy ra ngăn cản.
Qua giải thích, biết những người đi cùng chúng tôi đều là nạn nhân trong vụ lừa đảo, ông Hùng cho biết, phần đất này rộng hơn 10.000m2 của gia đình ông. Các đối tượng Vũ - Thủy - Xuyến đã tự ý lập bản vẽ, ngang nhiên công khai rao bán đất. Ông Hùng nói, giọng gay gắt: “Ngay ngày mai, tôi sẽ cho rào khu đất lại!”.
Hàng chục người dân "sập bẫy" kéo đến UBND huyện Hóc Môn cầu cứu, nhờ chính quyền can thiệp
Một số khu đất được rao bán, thực chất được dân địa phương trồng hoa màu, thậm chí nhiều khu đất chỉ là bãi cỏ hoang không thấy gì là dự án đất ở. Một số khu vực khác hiện đang san lấp mặt bằng.
Thậm chí, có dự án chưa giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện đền bù cho người dân nhưng đã vẽ bản đồ quy hoạch chồng lên nhà của các hộ dân đang sinh sống rồi ngang nhiên rao bán. Các đối tượng Vũ - Thủy - Xuyến đã tổ chức đứng ra bán và thu tiền đặt cọc của hàng trăm hộ dân.
Một trong những dự án “ma” được Vũ - Thủy - Xuyến dùng để lừa các nạn nhân đã đặt cọc cho bà Nguyễn Thị Thanh Tìm (chủ đất) 1,5 tỷ đồng mua đất, rồi ngang nhiên phân lô, bán đất.
Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Bá Toàn, bà Tìm là chủ một khu đất nông nghiệp rộng hơn 15.000m2 ở ấp Đông Thạnh 8.1, xã Đông Thạnh đã bị các đối tượng Vũ - Thủy - Xuyến lợi dụng để tự ý phân thành 162 lô đất riêng lẻ để bán cho nhiều người.
Khi sự việc được phát hiện, đất không phải của Vũ - Thủy - Xuyến nên không thể sang tên, đổi chủ thì người mua đã đồng loạt gửi đơn lên các cấp chính quyền kêu cứu.
CHÍNH QUYỀN PHÁT CẢNH BÁO
Khi nắm được đường dây lừa đảo của các đối tượng Vũ - Thủy - Xuyến lập ra những dự án “ma”, chính quyền địa phương 2 xã Đông Thạnh và Nhị Bình, huyện Hóc Môn đã chỉ đạo công an địa phương làm hàng chục bảng hiệu cảnh báo, “UBND - CA xã Đông Thạnh cảnh báo dự án “ma”. Khu vực này hiện không có bất kỳ dự án nhà ở nào được cấp phép thực. Đề nghị tất cả bà con cảnh giác, tránh tiền mất tật mang”.
Ông Dương Hồng Thắng (Chủ tịch UBND H.Hóc Môn) cho biết, tính đến thời điểm này chỉ riêng 2 xã Nhị Bình và Đông Thạnh, UBND huyện đã tiếp nhận hơn 100 đơn trình báo bị lừa tiền đặt cọc và đã chuyển cho cơ quan công an huyện điều tra.
Tại các thửa đất trên, về mặt pháp lý vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân và chưa được chuyển nhượng. Trên các phần đất này cũng không có dự án nhà ở nào cả.
Để cảnh báo người dân, UBND huyện đã ra thông báo khẩn để thông tin đến mọi người và khuyến cáo người dân, khi có nhu cầu cần liên hệ với chính quyền địa phương để tìm hiểu thông tin cụ thể, tránh bị lừa.
Sau khi nhận đơn tố cáo của các nạn nhân, chính quyền cắm biển cảnh báo trên những khu đất "dự án ma" để người dân biết, cảnh giác
Một khu đất khác được các đối tượng "vẽ" ra dự án để đưa nhiều người vào tròng
Theo ông Thắng, trong năm 2018, tình hình mua bán đất nền trên địa bàn Hóc Môn diễn ra hết sức phức tạp. UBND huyện Hóc Môn đã kiểm tra, xác minh tại các xã - thị trấn cho thấy, một số đối tượng đã tự phân nền đất nông nghiệp, tự vẽ bản phân lô tổng mặt bằng trái quy định pháp luật, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để giới thiệu, quảng cáo và rao bán cho người dân.
Bên cạnh đó, có một số đối tượng “đầu nậu”, đã chuyển nhượng đất nông nghiệp diện tích lớn, mượn nhiều sổ đỏ đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân, sau đó các đối tượng này tự phân lô trên giấy và rao bán đất nền.
UBND huyện Hóc Môn đã ghi nhận có tình trạng lừa đảo, mua bán đất nền diễn ra tràn lan. UBND huyện cũng đã chỉ đạo công an huyện, UBND các xã - thị trấn kiểm tra chặt chẽ địa bàn nhằm phát hiện, xử lý, ngăn ngừa và cảnh báo người dân.
UBND huyện Hóc Môn đã phải phát đi thông báo khẩn cấp gửi đến người dân biết để cảnh giác với bọn lừa đảo. Theo ông Thắng, hiện nay, khách hàng, nhà đầu tư mua đất nền, dự án bất động sản cần phải tỉnh táo hỏi nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp, pháp lý của dự án ra sao để tránh kẻ xấu lợi dụng.
UBND huyện đã yêu cầu ban chỉ huy công an huyện nắm tình hình, kịp thời ngăn chặn và tham mưu xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng trục lợi bất chính.
Theo/https://congan.com.vn/thi-truong/bat-dong-san/hang-tram-nguoi-sap-bay-du-an-ma-o-sai-gon_72430.html