TP HCM có dự án bị thu hồi, hủy bỏ nhiều nhất cả nước

BĐS12h
Trong giai đoạn 2018-2021, TP HCM có 121 dự án, công trình phải thu hồi, hủy bỏ do chậm đưa đất vào sử dụng, chiếm số lượng lớn nhất cả nước.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 được Đoàn giám sát gửi đến Quốc hội hôm 11/10.

Một trong những nội dung đáng chú ý là kết quả kiểm tra, rà soát và xử lý đối với dự án chậm đưa đất vào sử dụng từ năm 2018 đến năm 2021. Cụ thể, cả nước có 336 trên tổng số 575 dự án, công trình đã có quyết định giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ. Tổng diện tích các dự án này là trên 99.500 ha.

22 tỉnh, thành phố có dự án thu hồi hoặc hủy bỏ, trong đó TP HCM là địa phương có số dự án, công trình thu hồi nhiều nhất cả nước (121); tiếp đó là Lâm Đồng (61), Thanh Hóa (24). TP HCM cũng đứng đầu cả nước về số dự án, công trình chấm dứt theo giấy phép đầu tư hoặc chủ trương đầu tư với 469 trên tổng số 710 dự án của cả nước.

Bất động sản khu Nam TP HCM, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu Nam TP HCM, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo báo cáo, trong giai đoạn này, cả nước có 908 dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng đất với diện tích 28.100 ha. Trong đó, cơ quan chức năng đã thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án; gia hạn sử dụng đất 226; đang xử lý 106. Có 404 dự án được chưa xử lý.

Giai đoạn 2016-2021, cả nước có 743,7 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa; nhưng đến nay các cơ quan mới xử lý thu hồi được 495,4 triệu m2. Số tiền xử phạt vi phạm cả giai đoạn chỉ đạt 286 tỷ đồng.

Đoàn giám sát đánh giá việc thu hồi dự án không triển khai, chậm tiến độ chưa được chú trọng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư; chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng. Công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng, diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết địa phương, nhiều dự án vi phạm kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm.

Trách nhiệm chính "thuộc về các cấp chính quyền địa phương do buông lỏng quản lý, thực hiện không đúng quy định của pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không thông qua đấu thầu, đấu giá; phát hiện và xử lý sai phạm chưa nghiêm".

"Nhiều cá nhân có thẩm quyền có liên đới lợi ích, tiêu cực tham nhũng khi giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyên mục đích sử dụng đất", báo cáo nêu.

Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện quy định pháp luật; các Sở Tài Nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn thuộc thẩm quyền; tham mưu trong việc xác định giá đất.

Còn Bộ Tài chính và Sở Tài chính phải thường xuyên đôn đốc thu hồi khoản nợ đọng tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp, chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ hướng dẫn tháo gỡ thủ tục đầu tư, xây dựng và các vướng mắc liên quan trong việc cấp phép xây dựng, xử lý dự án chậm tiến độ...

Sơn Hà