Thường vụ Quốc hội yêu cầu chỉ rõ trách nhiệm dự án 'làm nghèo đất nước'

N Phong
Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cả báo cáo cũng như dự thảo Nghị quyết giám sát về chống lãng phí phải nêu rõ trách nhiệm với các dự án đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa gửi thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo kết quả giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Thường vụ Quốc hội yêu cầu chỉ rõ trách nhiệm dự án 'làm nghèo đất nước' - ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đây là chuyên đề giám sát tối cao thứ 2 của Quốc hội trong năm 2022, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua nghị quyết tại kỳ họp 4 tháng 10 tới.

Trong kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo kết quả giám sát phải có đầy đủ thông tin, số liệu, kết quả giám sát về danh mục dự án vi phạm quy định, gồm: dự án đầu tư không hiệu quả; dự án treo; dự án chậm tiến độ; dự án BOT, BT có vướng mắc.

Bên cạnh đó, bổ sung thông tin đất nông, lâm trường đến nay chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích; đất đã giao nhưng không thu tiền sử dụng đất; đất nông nghiệp để hoang hóa,….

Cùng với thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu đoàn giám sát phải đề xuất, kiến nghị rõ ràng, cụ thể, rõ trách nhiệm, rõ đối tượng, thời gian, thời hạn hoàn thành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ báo cáo của đoàn giám sát phải đặc biệt lưu ý các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế đối với các dự án chậm tiến độ, dự án vi phạm, đầu tư không hiệu quả, dự án BT, BOT; diện tích đất nông, lâm trường, nông nghiệp để hoang hoá.

Bên cạnh đó, kiến nghị trách nhiệm xử lý các tồn tại, hạn chế nói trên, nhất là các dự án đầu tư không hiệu quả gây thất thoát, lãng phí.

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, thất thoát, bỏ hoang
Tin liên quan Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, thất thoát, bỏ hoang

Đối với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải quy định cụ thể trách nhiệm, thời hạn thực hiện, hoàn thành để tạo bước chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu quy định cụ thể trách nhiệm, thời gian thực hiện đối với việc xử lý các tồn tại, hạn chế; và bổ sung danh mục các dự án vi phạm kèm theo dự thảo Nghị quyết.

Trước đó, dự thảo Báo cáo của đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm chống lãng phí cho hay trong giai đoạn 2016 - 2021, mỗi năm có hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng dần qua các năm; hàng nghìn dự án khác phải điều chỉnh quyết định đầu tư, tăng vốn tới 6 lần.

Trong giai đoạn giám sát, có tới 3.085 dự án được xác định có thất thoát, lãng phí. Riêng 1.086 dự án đã được đưa ra xét xử đã gây thất thoát 31.795 tỉ đồng.

Báo cáo cũng nêu rõ qua giám sát đã phát hiện được 94 dự án không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí song chưa được các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dự án.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát hồi giữa tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải rà soát, bổ sung danh mục và kiến nghị trách nhiệm xử lý với 94 dự án này, trình Quốc hội.

Cuộc giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo Chủ tịch Quốc hội, có quy mô rất lớn, tài liệu phục vụ giám sát hơn 200 kg. Riêng báo cáo kết quả giám sát dài 89 trang, báo cáo tóm tắt 15 trang với 42 phụ lục dài 988 trang.

Làm rõ trách nhiệm những công trình 'làm nghèo' đất nước
Tin liên quan Làm rõ trách nhiệm những công trình 'làm nghèo' đất nước

Tin liên quan

'Giám sát tránh chồng chéo, địa phương lại bảo các bác lại về à thì chết' Âu thuyền 80 tỉ, 16 năm chưa vận hành ngày nào Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Xót xa công viên 45 tỉ đồng bỏ hoang