Tôi sinh và lớn lên ở Sài Gòn, hầu như từ bé chỉ biết đi học rồi ra trường đi làm, không quan tâm lắm đến tiền bạc, nên lương tháng bao nhiêu tôi đưa ba mẹ giữ hết. Vào khoảng năm 2005, khi thành phố rộ lên phong trào mua chung cư, tôi cùng anh người yêu - bây giờ là chồng tôi đi hỏi giá thử mới bàng hoàng nhận ra một căn nhỏ xíu đã 700 triệu đồng. Hai đứa mới đi làm vài năm, nghĩ là “lấy đâu chừng ấy tiền mà mua”!
Bằng đi một thời gian, tình cờ một hôm anh hai chồng tôi - cũng là môi giới đất kêu có chị kia bán miếng đất rộng 1000 mét vuông, giá 250 triệu ở xã Vĩnh Thanh, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Xung quanh miếng đất của tôi là khu dân cư hiện hữu, nhà cửa khá đông đúc. Từ đường chính vào chỉ vài trăm mét. Khi ấy tôi cũng nghe phong thanh đất Nhơn Trạch sốt do khu công nghiệp đang hình thành. Thế là, không suy nghĩ nhiều, tôi ưng thuận mua ngay, dù trong túi không đủ tiền. Còn nhớ, miếng đất đó trả theo tiến độ làm giấy tờ mất hơn 3 tháng, đến khi chồng tiền lần cuối để lấy sổ, tôi còn thiếu mất 30 triệu, phải mượn thêm bà chị.
Thời gian vụt trôi, sau đó khoảng 3 năm, nhân dịp có người bạn Việt kiều về chơi, chúng tôi nảy ra ý định làm chiếc nhà sàn để cuối tuần bạn bè kéo nhau xuống đó dã ngoại. Căn nhà 20 mét vuông do chính tay anh chồng tôi làm rất xinh, lãng mạn. Chúng tôi cũng bắt đầu trồng cây dần dần từ đó vào mỗi cuối tuần. Các chuyến đi “dã ngoại" của nhóm chúng tôi ngày càng thường xuyên hơn. Sau một tuần làm việc mệt mỏi bận rộn, quẩy balo, leo lên con xe máy băng qua quận 2, rồi phà Cát Lái, cứ thế lái thẳng tắp là tới chiếc nhà sàn xinh xắn.
Năm 2009, chúng tôi kết hôn. Còn nhớ thời điểm đó kênh Nhiêu Lộc làm, lô cốt găng mắc khắp nơi. Cứ giờ tan tầm là kẹt xe như mắc cửi. Tôi làm ở Q.1 đi làm ngày nào cũng mất 1 tiếng đi và 1 tiếng về, dù khoảng cách địa lý có vài km. Bụi bặm ồn ào nóng nực khiến tôi mệt mỏi. Chúng tôi quyết định chuyển hẳn về căn nhà sàn ở Nhơn Trạch. Thế là từ đó, ngày ngày chúng tôi đi xe máy lên thành phố làm việc rồi tối lại về. Khoảng cách tuy có xa hơn nhưng thời gian cũng chỉ mất 60 phút, trong khi đường sá thênh thang, không khí mát mẻ trong lành.
Từ nhỏ tôi đã luôn ao ước nhà mình có vườn, cây, hoa. Thế mà không phải cố gắng nhiều, nay tôi được ở giữa một nơi xanh mát. Toàn bộ thành quả là nhờ chồng tôi vốn gốc là dân quê, chứ cái đứa gốc thành phố như tôi nào có biết nuôi trồng gì. Chồng tôi tự “quy hoạch" khu vườn, chỗ nào trồng mít, trồng bưởi, chỗ nào hồ cá, chuồng gà, vịt… Có cả giàn hoa tigon rủ trước ngõ mà tôi chỉ đọc trong thơ văn.
Rồi chúng tôi sinh con, bỏ cái nhà sàn để xây nhà mới, làm tường rào kiên cố hơn. Khu đất 1000 mét của chúng tôi là nơi canh tác đủ loại, mùa nào thức nấy. Các con tôi lớn lên chừng nào thì gia trang hoàn thiện chừng ấy. Chồng tôi vốn là dân Bách Khoa, anh tự thiết kế lắp đặt điện nước, xây dựng khu vui chơi an toàn cho cả nhà. Nhân tiện, anh mở luôn dịch vụ sửa điện nước cho dân trong vùng. Gia đình tôi đúng kiểu tự cung tự cấp: lúa mua của nông dân trong khu để ăn dần, rau củ quả tự trồng, gà vịt trứng tự nuôi. Các con tôi học trường làng, về nhà ba kèm toán lý hoá, mẹ kèm ngoại ngữ, văn chương. Hàng ngày các con vui chơi thả ga cùng bạn xóm giềng và phụ giúp chăm sóc cây con quanh nhà.
Cách đây ba năm, có khách ngỏ lời mua lại mảnh đất với giá 10 tỷ. Chúng tôi cũng không có ý định bán ngôi nhà mình đang sinh sống, cũng không xác định cần đầu tư gì trong nhiều năm tới nên không mấy để ý.
Có người nói tôi gặp may kiểu “thánh nhân đãi kẻ khù khờ" khi đầu tư vào đất với số vốn không nhiều mà nay sở hữu một tài sản lớn. Thật ra, mua miếng đất thì dễ, nhưng để nó thành hình một nơi đáng sống, để mình gắn bó thì không dễ.
Người ta hay nhìn cái được mà ít khi thấy đằng sau cái được ấy có nhiều cái mất. Trước tiên, hầu hết những người bỏ phố về vườn phải đối mặt với việc cơ hội công việc và cơ hội làm giàu sẽ ít đi, thu nhập không bằng bạn bè trang lứa. Bởi vì nếu bạn chọn một công việc lương cao, bạn phải bỏ ra nhiều thời gian, đi sớm về khuya, sẽ không thể gắn bó với nhà vườn xa thành phố. Một cái hạn chế nữa là mối quan hệ, bạn bè. Khi ở phố, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể đi chơi cafe la cà, ăn nhậu với bạn được, khi về vườn rồi nhiều người sẽ cảm thấy buồn. “Cai nghiện" các thú vui hào nhoáng xa xỉ của phố xá không hề dễ. Từ đầm váy giày cao gót ngồi máy lạnh chuyển sang đội nón lá đi dép lê hái rau nhà, thăm gà vịt vui thiệt đó nhưng không phải ai cũng làm ngày này tháng nọ được!
Một hạn chế nữa của nhà vườn là điều kiện y tế, giáo dục không thể so sánh với thành phố lớn. Các con sẽ ít được tiếp cận với sự hiện đại của thành phố cũng như mặt bằng trường lớp, giáo viên chất lượng cao.
Mùa dịch bệnh này, trong khi các bạn tôi ở thành phố rất tù túng, thì cuộc sống của chúng tôi gần như không thay đổi. Tôi đã kịp chuyển hết công việc và dạy học sang online. Tôi nghĩ, hơn 10 năm thành quả không chỉ là giá trị tài sản mà là môi trường cho con cái lớn lên, gia đình sum vầy, không khí thực phẩm sạch. Đó là sự tự do tuyệt đối làm những thứ mình thích. Lựa chọn nào cũng có sự thiệt hơn, tốt dở. Nếu so sánh sự thua thiệt mà chúng tôi phải chịu thì những cái được vẫn cứ nhiều hơn.
Điều kiện nào để có thể yên tâm về vườn1. Công việc có thể làm từ xa |
Huy Khôi
Link nội dung: https://batdongsan12h.vn/bo-250-trieu-toi-co-mieng-dat-hon-10-ty-a454