Theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất trồng cây lâu năm là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Căn cứ vào phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT quy định về thống kê, kiểm kê đất đai thì đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm.
Vậy cây lâu năm là gì? Cây lâu năm bao gồm: Cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả lâu năm, cây dược liệu lâu năm, cây gỗ lâu năm.
Hiện nay các khu đất có trồng cây lâu năm đều thuộc quản lý của Nhà nước. Nhà nước sẽ có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất cho các cá nhân, hộ gia đình hoặc các tổ chức hợp pháp có nhu cầu quản lý và sản xuất loại đất này.
Để có thể phân biệt được 3 loại đất trồng cây này, bạn cần hiểu rõ khái niệm về đất vườn và đất trồng cây hàng năm.
Hiện Luật đất đai sửa đổi 2013 của Việt Nam chưa có định nghĩa về loại đất vườn. Tuy nhiên bạn có thể hiểu đất vườn là loại đất có thể sử dụng linh hoạt. Chủ thửa đất có thể tùy ý trồng các giống cây thu hoạch hàng năm hoặc lâu năm.
Căn cứ theo hướng dẫn cách gọi tên các loại đất của Thông tư số 28/2004/TT-BTNMT thì đất trồng cây hàng năm được quy định chuyên trồng các giống cây hoa màu ngắn hạn. Cụ thể, các loại cây này sẽ có thời gian sinh trường (tính từ lúc gieo hạt hoặc trồng cây mầm đến khi thu hoạch) không quá 1 năm; ví dụ như lạc, đỗ, mía, dâu tằm, cỏ dùng cho chăn nuôi…
Sự khác biệt lớn nhất của hai loại đất, đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm nằm ở thời gian sinh trưởng của cây.
Theo Luật đất đai sửa đổi năm 2013, thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm là 50 năm. Trong trường hợp đất trồng cây lâu năm hết hạn sử dụng thì người dân cần thực hiện nộp hồ sơ mới để xác nhận lại thời hạn sử dụng đất theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn sử dụng đất mới sẽ được thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ địa chính sở tại.
Khi đầu tư vào bất động sản nông nghiệp, nhà đầu tư thường quan tâm về khả năng chuyển nhượng, xây nhà hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư. Cùng tìm hiểu rõ một số khái niệm liên quan.
Đất trồng cây lâu năm vẫn được tính là nhóm đất nông nghiệp và không được sử dụng theo mục đích ở, định cư lâu dài. Nếu muốn xin phép xây nhà trên đất trồng cây lâu năm thì bạn cần thực hiện thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng trước.
Theo đúng quy định của Nhà nước thì người dân hoàn toàn có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất miễn là không đi ngược lại với Điều 30, Nghị định 181/2004/ND-CP. Ngoài ra, người dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng cần phải có sự đồng ý và cấp phép của cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai địa phương theo điều 57 Luật đất đai sửa đổi năm 2013.
Cơ quan Nhà nước tại địa phương khi cấp phép chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên thổ cư sẽ căn cứ vào chính sách đất đai của địa phương, kế hoạch sử dụng đất hàng năm chính thức của cấp huyện, diện tích các loại đất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng của xã và lý do xin chuyển đổi mục đích sử dụng ghi trong đơn.
Cần lưu ý, trước khi thực hiện thủ tục xin chuyển đổi đất trồng cây lâu năm thì nên kiểm tra trước bản đồ địa chính (có thể hiện kế hoạch sử dụng đất) của địa phương. Tại đây bạn sẽ nắm được lô đất của mình có thuộc khu vực được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không. Trong trường hợp đất nằm ngoài khu vực cho phép chuyển đổi thì bạn cần chờ kế hoạch đất đai của năm sau.
Hiện nay pháp luật không có hạn chế chủ thể được phép nhận chuyển nhượng đất có mục đích sử dụng là "trồng cây lâu năm”.
Tuy nhiên, khi chuyển nhượng bạn cần kiểm tra xem đất còn thời hạn sử dụng không, nếu là đất trồng cây lâu năm hết hạn sử dụng thì phải tiến hành gia hạn trước khi chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, bạn cần kiểm tra quy hoạch để xác định được định hướng sử dụng trong tương lai. Nếu mảnh đất đó được định hướng làm đất thổ cư thì giá đất trồng cây lâu năm sẽ tăng cao và bạn có khả năng kiếm nguồn lợi lớn.
Thảo Linh
Link nội dung: https://batdongsan12h.vn/tu-a-den-z-ve-dat-trong-cay-lau-nam-ban-nen-biet-a230