Việc mở/đóng tài khoản mỗi ngân hàng sẽ có các quy định khác nhau. Nhưng theo chuyên gia, tốt nhất khách hàng nên tránh phát sinh phiền toái bằng cách chủ động đóng tài khoản khi không còn nhu cầu sử dụng.
Dở khóc cười vì "quên" đóng tài khoản
Bà T.T.Hiền (Hải Phòng) mở một Hàng trăm tài khoản ATM bị 'tấn công', đã đền tiền cho 3 chủ thẻĐỌC NGAY
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) - cũng kể về trải nghiệm bản thân khi quên không đóng thẻ tín dụng dù không còn nhu cầu sử dụng.
"Một ngày đẹp trời, thấy ngân hàng thông báo thu 1,2 triệu đồng phí thường niên, tôi vội vã thanh toán và đóng tài khoản. Nộp tiền xong, nhân viên ngân hàng nói tôi có thể tiếp tục sử dụng thẻ, năm sau đóng tài khoản cũng được. Nhưng tôi nhất quyết từ chối. Vì ngân hàng sẽ không nhắc và tôi hoàn toàn có thể sẽ quên".
Ông Huân cho biết thông tư 23 của Ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng sẽ thực hiện đóng tài khoản thanh toán của khách hàng khi có văn bản yêu cầu từ chủ tài khoản. Đồng thời, chủ tài khoản đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán.
Với các khách hàng chưa phát sinh dư nợ, việc đóng tài khoản hiện nay sẽ do quy định từng ngân hàng. Cũng bởi không có bất kỳ quy định "cứng" nào tại các thông tư hướng dẫn về thời gian khách hàng không phát sinh giao dịch trong bao lâu sẽ đóng tài khoản.
Theo đó, mỗi ngân hàng sẽ có những quy định khác nhau. Nhiều khách hàng còn nghĩ đơn giản: không có tiền trong tài khoản thẻ ATM cũng đồng nghĩa tài khoản đó không còn giá trị, mà quên mất bước yêu cầu đóng tài khoản. Cho đến khi có nhu cầu làm việc với ngân hàng chủ thẻ mới được thông báo phát sinh dư nợ do các chi phí gộp lại.
Ông Huân quan sát nhiều ngân hàng với quy trình chuyên nghiệp, họ vẫn tự lọc khách hàng không giao dịch trong một thời gian nhất định để hủy thẻ, khóa tài khoản. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào và bất kỳ trường hợp khách hàng nào cũng vậy.
"Nhiều ngân hàng lo giảm chỉ tiêu, thậm chí có nơi còn muốn duy trì để tận thu phí khách hàng. Thêm nữa, các quy định ngân hàng khi xử lý các vấn đề phát sinh sẽ luôn có tối ưu cho họ. Do vậy, tốt nhất khách hàng nên tự chủ động rà soát, đóng tài khoản khi không có nhu cầu. Khó đợi ngân hàng làm thay" - ông Huân khuyến nghị.
Cũng theo vị chuyên gia, nên xem xét việc có những quy định phổ quát về việc đóng tài khoản khi khách hàng không phát sinh giao dịch. Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Về bản chất, chủ tài khoản không sử dụng dịch vụ mà vẫn phát sinh chi phí là không hợp lý.
Cần đặc biệt lưu ý với thẻ tín dụng
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, cựu phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết khách hàng cần lưu ý đặc biệt hơn với các loại thẻ tín dụng. Bởi đa số các ngân hàng không có quy định nào tạm khóa tài khoản ngân hàng khi khách hàng không sử dụng.
Dù không phát sinh giao dịch, người dùng vẫn sẽ đóng phí thường niên cho ngân hàng. Nếu không đóng phí này sẽ dễ dẫn đến nợ xấu.
Cũng theo vị này, để khóa tài khoản, chủ thẻ tín dụng bắt buộc phải thanh toán hết dư nợ thẻ tín dụng và các phí phát sinh hoặc phí duy trì hằng tháng.
Khách hàng cũng cần phân biệt, trong trường hợp chỉ khóa tài khoản tạm thời, các khoản phí như phí duy trì, phí thường niên hay các phí khác đi kèm... sẽ vẫn được tính bình thường. Do vậy theo vị chuyên gia, nếu thực sự không còn nhu cầu, khách hàng nên nhanh chóng khóa tài khoản vĩnh viễn.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý không nên mở quá nhiều thẻ cùng một lúc.
Luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty luật ANVI - nhấn mạnh trước khi quyết định mở thẻ, khách hàng cần đọc kỹ và hiểu rõ các thỏa thuận tại hợp đồng với ngân hàng và các quy định liên quan của pháp luật.
Để thu hút người sử dụng, ngân hàng thường phát hành thẻ tín dụng kèm nhiều chính sách hấp dẫn. Tuy nhiên, khách hàng cần lưu ý dễ chi tiêu quá đà, nhất là lãi suất đối với hình thức vay này bao giờ cũng cao hơn, đặc biệt là lãi suất quá hạn bởi ngân hàng phải dự phòng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Từ góc độ các ngân hàng, ông Đức cho rằng khi có các vụ việc phát sinh với khách hàng nên xử lý dứt điểm.
"Nếu để xảy ra vụ việc dai dẳng kéo dài, ngân hàng có thu được nợ thì có khi cái mất sẽ lớn hơn. Họ sẽ cân nhắc thiệt hơn, xử lý sao cho chuyên nghiệp, hợp tình, hợp lý nhất. Nói chung, kinh doanh phải chấp nhận rủi ro, dựa trên uy tín và quan trọng nhất là biết cách giữ khách" - ông Đức nói.
Link nội dung: https://batdongsan12h.vn/the-atm-visa-ngung-giao-dich-nhieu-nam-van-bi-tinh-phi-ghi-no-a1654