Gần đây, hình ảnh bụi ám đầy xe, cây cỏ mọc xanh um tùm trên các xe vi phạm ở bãi xe. Nhiều xe vi phạm nằm phơi nắng mưa dài ngày chờ thanh lý, đấu giá kéo theo nhiều hệ lụy khác, CSGT phải trông coi, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy. Vì sao người vi phạm lại bỏ xe sau khi bị CSGT lập biên bản như vậy?
Mức phạt cao hơn giá trị xe
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, các đội CSGT tại TP.HCM đang phải trông coi nhiều phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ theo quy định mà người vi phạm không đến nhận. Theo quy định, nếu đã quá thời hạn tạm giữ mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến giải quyết để nhận lại xe vi phạm hành chính thì CSGT sẽ tiến hành các thủ tục để ra quyết định tịch thu phương tiện sung vào công quỹ Nhà nước.
Bãi xe vi phạm của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM
ngọc dương
|
Lãnh đạo một đội CSGT phụ trách địa bàn trung tâm TP.HCM cho biết, ở đội cũng gặp nhiều trường hợp người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lại xe sau khi bị lập biên bản.
“Các xe người vi phạm không nhận lại thường là do mức phạt cao, xe giá trị thấp. Nhiều nhất là những người bị lập biên bản xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Mức phạt cao nhất thường gặp là 7 triệu đồng khi nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/lit khí thở”, CSGT nói.
Theo vị này, khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn, CSGT cũng có thể đoán được trường hợp nào sẽ bỏ xe dựa vào giá trị xe, thái độ của người vi phạm.
CSGT kể: “Có người vi phạm ngay khi bị thổi đã than thở, nói cho xe CSGT luôn rồi không xuất trình các giấy tờ liên quan. Về nguyên tắc, CSGT sẽ lập biên bản, tạm giữ xe, ghi nhận tại thời điểm kiểm tra người vi phạm không xuất trình được các giấy tờ. Chiếc xe giá trị không quá cao, như vậy là biết người vi phạm sẽ không đến lấy lại xe”.
Nhiều người bỏ luôn xe vi phạm vì tiền phạt cao hơn giá trị xe
vũ phượng
|
Lãnh đạo đội CSGT này cũng cho biết thêm, trước kia, CSGT thường giữ xe 7 ngày để ngăn chặn hành vi vi phạm tức thời tại thời điểm xử phạt. Nhưng theo quy định mới, CSGT giữ xe không quá 7 ngày, tức là CSGT có thể tạm giữ xe, rồi hẹn người vi phạm 1 – 2 hay vài ngày sau đến xử lý, giải quyết.
Lãnh đạo một đội CSGT khác tại TP.HCM cũng cho hay, các phương tiện bị tạm giữ thường là do vi phạm các lỗi như: người điều khiển phương tiện đã uống rượu bia; những lỗi vi phạm liên quan đến điều kiện tham gia giao thông của người hoặc phương tiện (người điều khiển xe không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe,…)
Ngoài ra, xe không chứng từ, xe nhập lậu,… gọi chung là xe không hợp lệ nếu bị CSGT lập biên bản tạm giữ thì người vi phạm xác định sẽ không thể nhận lại được xe. Trường hợp, người vi phạm làm đơn báo mất giấy đăng ký xe, CSGT sẽ xác minh, nếu đúng là xe có nguồn gốc, giấy tờ thì sẽ trả lại xe.
CSGT đang phải trông coi nhiều xe quá thời hạn tạm giữ người vi phạm không đến nhận lại
độc lập
|
“Quy trình xác minh nguồn gốc xe thường rất lâu, tốn thời gian, chi phí, thủ tục thanh lý cũng còn quy trình phức tạp. Thông thường, CSGT sẽ gửi công văn về địa phương, gửi thông báo giấy mời báo là CSGT đang giữ chiếc xe do người này đứng tên đăng ký, yêu cầu chủ xe lên giải quyết thủ tục, 1 tháng người này không đến làm việc thì CSGT sẽ ra quyết định tịch thu, tiến hành các thủ tục thanh lý theo quy định.
Không đóng phạt, bỏ bằng lái xe thì thi lại được không?
Cũng theo ghi nhận, tại tổ xử lý vi phạm hành chính của các đội CSGT TP.HCM đang tạm giữ rất nhiều bằng lái qua các năm mà người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lại. Trong đó, đa số trường hợp bằng lái xe tồn lại là bằng lái hạng A1.
Theo CSGT, có nhiều lý do mà người vi phạm bỏ luôn bằng lái khi bị CSGT lập biên bản, đó là: mức phạt cao hơn chi phí cấp lại bằng lái, có 1 bằng lái khác hoặc có bằng lái giả.
Ngoài xe vi phạm, CSGT cũng phải bảo quản nhiều bằng lái xe quá hạn nhưng người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lại
V,P
|
Trước đây, khi tước quyền sử dụng GPLX của người vi phạm, CSGT sẽ gửi thông báo ngăn chặn đến Sở GTVT của người vi phạm, nhưng vẫn còn một vài trường hợp vẫn làm lại được bằng lái xe vì giấy tờ đi bị sơ suất.
Nhưng vị này nhấn mạnh: “Từ 21.5.2022 đến nay thì 100% người vi phạm bị CSGT tước quyền sử dụng bằng lái không thể làm lại bằng lại mới nếu chưa đóng phạt, vì dữ liệu được đưa hết lên dịch vụ công tự động. Do đó, người vi phạm nếu không đóng phạt thì sẽ không được làm lại bằng lái xe”.
Tin liên quan
Bé gái 8 tuổi không nhớ địa chỉ nhà, CSGT TP.HCM tất bật tìm giúp cha mẹ Cháy bãi xe CSGT TP.Thủ Đức: Chủ xe bị tạm giữ được bồi thường thế nào? Nữ tài xế say xỉn gây tai nạn rời hiện trường, người dân bức xúc đuổi theo