Thành lập công ty để huy động vốn đa cấp
Ngày 30.3, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo: Nguyễn Thế Kiên (39 tuổi, ngụ Bắc Giang), Nguyễn Hữu Trí (38 tuổi, ngụ Nam Định), Hà Thanh Hòa (40 tuổi, ngụ Phú Thọ), Nguyễn Thị An (34 tuổi, ngụ Phú Thọ), Lê Đình Nhân (61, ngụ Quảng Bình), Vũ Vi Minh Trí (44 tuổi, ngụ Cần Thơ) về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Dự kiến vụ án được xét xử trong 2 ngày.
Các bị cáo trong vụ huy động vốn hình thức đa cấp, lừa 161 bị hại SONG MAI |
Theo cáo trạng, khoảng giữa tháng 5.2016, Nguyễn Thế Kiên, Nguyễn Hữu Trí và Hà Thanh Hòa, Nguyễn Thị An bàn bạc lập Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Hoàng Long (Công ty Hoàng Long).
Công ty này có trụ sở ở đường Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), vốn điều lệ 50 tỉ đồng, do Vũ Vi Minh Trí làm Giám đốc đại diện theo pháp luật. Ngành nghề kinh doanh là buôn bán kim loại và quặng kim loại, vật liệu, thiết bị xây dựng; buôn bán chuyên doanh khác…
Sau khi được cấp đăng ký kinh doanh, Kiên cùng đồng phạm không thực hiện hoạt động kinh doanh theo ngành nghề đăng ký mà dùng thủ đoạn huy động vốn theo mô hình đa cấp nhị phân, lấy tiền của bị hại gửi sau trả cho người gửi tiền trước. Các thành viên công ty hưởng lợi từ chính tiền của bị hại.
Chiếm đoạt 102 tỉ đồng của 161 nạn nhân
Phía Công ty Hoàng Long không liên quan, cũng không tham gia hợp tác đầu tư, xây dựng các dự án văn phòng và căn hộ cho thuê của Công ty Cổ phần phát triển thương mại và dịch vụ Hà Thành; dự án của Công ty TNHH ToGi Việt Nam; dự án hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (quặng sắt) của Công ty An Vượng. Nhưng để tạo lòng tin và chiếm đoạt tiền của các bị hại, Kiên và đồng phạm đã dùng thủ đoạn tổ chức hội thảo và đưa thông tin lên website với nội dung Công ty Hoàng Long đang hợp tác đầu tư, xây dựng các dự án trên và hứa hẹn nếu góp vốn vào công ty sẽ được trả gốc và lãi cao.
Bằng thủ đoạn nêu trên, từ ngày 1.6.2016 đến 11.2016, Kiên cùng đồng phạm đã lấy được của 161 người bị hại tổng số tiền 102 tỉ đồng. Sau khi lấy được số tiền trên, Kiên và đồng phạm đã trả lại cho 161 bị hại 44 tỉ đồng.
Đối với số tiền còn lại, Kiên và đồng phạm đã chiếm đoạt rồi sử dụng 23,6 tỉ đồng mua cổ phần của Công ty An Vượng, chi trả hoa hồng cho người môi giới, chi phí quảng cáo, tổ chức các cuộc hội thảo, mua vé máy bay, trả lương nhân viên và chia nhau sử dụng cá nhân số tiền hơn 6 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định, Nguyễn Thế Kiên là bị cáo chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo trực tiếp quản lý, phân công cho các đồng phạm. Các bị cáo còn lại là đồng phạm trực tiếp tham gia, tích cực.
Đối với những người có liên quan trong vụ án, như: nhân viên phụ trách pháp chế, kế toán, thủ quỹ, hành chính, lễ tân… và những người kêu gọi các bị hại đầu tư gửi tiền, diễn thuyết quảng cáo, ký hợp đồng cho Công ty Hoàng Long, theo CQĐT, những người này không bàn bạc, không biết các Kiên và đồng phạm đã thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của các bị hại nên không đề cập xử lý hình sự. Tuy nhiên, những người này phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền có nguồn gốc là tiền đã bị chiếm đoạt của các bị hại.
Chiều nay, phiên tòa xét xử vụ án huy động vốn đa cấp, lừa 161 bị hại số tiền 102 tỉ đồng, sẽ đến phần xét hỏi.
Tin liên quan
Hậu Giang: Xét xử tổng giám đốc kêu gọi đầu tư đa cấp, lừa đảo 160 tỉ đồng của 816 bị hại Huy động vốn đa cấp, chiếm đoạt 460 tỉ đồng: Bị cáo chủ mưu là F0, tòa hoãn xử Bị phạt 30 triệu đồng vì tụ tập bán hàng đa cấp giữa lúc dịch Covid-19