Đường vành đai 3 TP.HCM dài 91km - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4 TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra không gian phát triển mới.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương án triển khai đầu tư. Tuy nhiên do các dự án đi qua các đô thị, có tổng mức đầu tư lớn, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư rất cao nên việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gặp nhiều khó khăn và khó khả thi, nhất là đường vành đai 3.
Trên cơ sở báo cáo của UBND TP.HCM và ý kiến của các bộ ngành và các địa phương, thống nhất đầu tư công đối với đường vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ, trong đó sử dụng kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Vành đai 4 tiếp tục nghiên cứu đánh giá đề xuất tính khả thi đầu tư theo phương thức PPP theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 1263/TTg-CN.
Thủ tướng giao UBND TP là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án vành đai 3 (cơ quan tổ chức lập, trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động… báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
TP.HCM khẩn trương chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào đầu tháng 2-2022, sao cho bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2022.
Để sớm thống nhất phương án đầu tư các dự án, giao UBND TP thành lập tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường vành đai 3, 4.
Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5. Rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật, tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Rà soát kỹ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do tại sao suất đầu tư 1km đường của dự án cao, rà soát kỹ lưỡng hướng tuyến, quy mô đầu tư (trong đó nghiên cứu giảm số lượng nút giao cho phù hợp với tính chất cao tốc đô thị) để không lãng phí và hiệu quả.
Nghiên cứu, đề xuất tỉ lệ vốn hợp lý, khả thi, hiệu quả giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể. Phấn đấu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5-2.
Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo tổ công tác và công tác triển khai các dự án đường vành đai 3, 4 TP.HCM bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo nghiên cứu, đường vành đai 3 dài hơn 91km. Giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 83.290 tỉ đồng. Giai đoạn này dự án làm 4 làn xe cao tốc, 2 làn đường song hành hai bên và giải phóng một lần theo quy hoạch (8 làn xe, 2 đường song hành vỉa hè...).
Trong cơ cấu tổng mức đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng với đường song hành hai bên đã hơn 52.468 tỉ đồng, còn chi phí xây dựng đường cao tốc khoảng 32.000 tỉ đồng.
Theo tính toán, đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM khoảng 910 tỉ đồng/km (bao gồm giải tỏa mặt bằng cho giai đoạn hoàn thiện, xây dựng đường cao tốc, đường song hành...), trong đó chi phí xây dựng khoảng 294 tỉ đồng/km.
Còn đường vành đai 4 TP.HCM có chiều dài khoảng 200km, quy mô 6 - 8 làn xe, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM). Quy hoạch đặt ra tiến trình đầu tư đường vành đai 4 TP.HCM trước năm 2030.
Link nội dung: https://batdongsan12h.vn/se-dau-tu-cong-cho-du-an-vanh-dai-3-tphcm-a1001